
Ngày 9-4-2008 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc và đảng đối lập Dân chủ thống nhất (UDP) nếu thắng cử sẽ bác bỏ lập tức một dự án tham vọng của Tổng thống Lee Myung-bak: Xây dựng một con kênh nối hai thành phố lớn nhất Hàn là thủ đô Seoul ở phía Bắc với thành phố cảng Busan ở phía Đông Nam.
Công trình gặp nhiều thử thách

Bản vẽ nháp dự án Kênh Đại Hàn
Đồng chủ tịch UDP Sohn Hak-kyu khẳng định sẽ không để đảng cầm quyền Đại dân tộc (GNP) thực hiện dự án Kênh Đại Hàn này. UDP cho rằng nó sẽ gây ô nhiễm môi trường hơn là có tác động tốt đến nền kinh tế Hàn Quốc. Họ cũng nghi ngờ về tính thực tiễn của việc xây con kênh khi nhiều thành phố lớn đều không xa biển, tốn nhiều tiền nhưng không thu về được bao nhiêu. UDP yêu cầu phải mở cuộc trưng cầu dân ý về dự án này.
Theo các báo Hàn Quốc ngày 26-3, trong 516 người tham dự cuộc thăm dò do Giáo sư Jang jae-youn của Trường đại học Aijou thực hiện, gần 60% phản đối Kênh Đại Hàn, chỉ có 39% ủng hộ.
Công trình Kênh Đại Hàn dài 540km được Tổng thống Lee hy vọng sẽ hoàn tất trong 5 năm nhiệm kỳ của ông. Điểm khởi công ở thị trấn Mungyeong nằm giữa Seoul và Busan. Đây cũng là nơi công trình gặp nhiều thử thách nhất: Sà lan chở hàng và tàu chở khách sẽ được “nâng” lên bằng cổng và thang máy để vượt những ngọn núi sau thị trấn hoặc sẽ “chui” xuống đất bằng một đường hầm dài 21km.
Các kỹ sư vẫn chưa quyết định nên làm “thang máy” hoặc đường hầm. Hai con sông sẽ được mở rộng và đào sâu, cũng như được nắn dòng để tạo nên một con kênh gần thẳng băng.
Người dân sống bên bờ hai con sông rất hào hứng với dự án này. Một “cò” đất đã trương bảng rao bán một lô đất “chỉ cách kênh 5 phút xe” ở thị trấn Yeoju (gần Seoul),nơi giá đất tăng gấp đôi chỉ trong tháng 2 qua.
Thế giới chờ đợi
Tổng thống Lee nói kinh phí xây kênh chỉ khoảng 16,8 tỷ USD (16 ngàn tỷ won) và 60% đến 70% kinh phí sẽ được thu hồi bằng cách bán cát và sỏi ở hai lòng sông. Phần kinh phí còn lại sẽ là tiền đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân vào những dự án nhỏ, như mở rộng các cảng sông và cơ sở hạ tầng du lịch.
Các trợ lý của ông Lee khẳng định xây kênh là “nhiệm vụ hàng đầu” và những con đê sẽ kiểm soát được vấn nạn lũ lụt cũng như việc nạo vét lòng sông sẽ giúp nước sông sạch hơn.
Tổng thống Lee còn nói con kênh sẽ tạo được 300.000 việc làm, góp phần phục hồi nền kinh tế suy thoái. Ông nói khối lượng tàu chở hàng sẽ tăng gấp đôi từ năm 2020 và con kênh sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa được sạch và rẻ hơn (dù chậm hơn) so với việc chở hàng trên đường bộ (dễ gây ùn tắc) và đường sắt.
Tổng thống Lee còn nói sẽ xây thêm 1.000km nữa nối Kênh Đại Hàn với thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên nhưng không biết bao giờ điều này mới xảy ra, nhất là khi mà gần đây hai miền lại “căng” nhau.
Tổng thống Lee, 66 tuổi, bắt đầu nổi tiếng từ khi làm tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hyundai Construction & Engineering hàng đầu ở Hàn Quốc (cũng là một trong những đơn vị tham gia dự án đào kênh). Trong những năm 1970-1980, ông xây nhiều xí nghiệp, đường cao tốc, đập nước, đường rầy ở khắp thế giới, với một tốc độ chóng mặt và tự tin đến mức ông có biệt danh “Xe ủi đất”.
Uy tín “nói là làm” của ông giúp ông đắc cử trong ngày bầu cử tổng thống 19-12-2007, vì cử tri hy vọng ông sẽ phục hồi được nền kinh tế. Vị lãnh đạo đầu tiên xuất thân là dân làm ăn này đã hứa sẽ giảm thuế, bãi bỏ nhiều quy định để khuyến khích đầu tư và kích cầu sức tăng trưởng kinh tế. Ông nói những quy định không cần thiết là rào cản cho sự cải tổ.
Mục tiêu chính của ông là năm 2008 mức tăng trưởng kinh tế đạt 6% và thu nhập mỗi đầu người tăng gấp đôi, đạt 40.000 USD vào năm 2017 và nâng kinh tế Hàn Quốc lên hàng thứ bảy thế giới.
Gần đây Tổng thống Lee khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của chính phủ là kiềm chế lạm phát, chứ không phải là tăng trưởng kinh tế, vì “khủng hoảng kinh tế thế giới” đã vượt quá tầm kiểm soát của Seoul.
Khi tranh cử, ông Lee từng nhận mình là “tổng thống vì kinh tế trước tiên”. Hàn Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và đứng hàng thứ 13 thế giới nhưng cũng đang đối diện sức ép lạm phát do giá sinh hoạt và giá dầu tăng cao.
Các chuyên gia lo ngại sự lạm phát làm suy yếu sức tiêu dùng và khiến Chính phủ Tổng thống Lee không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%. Hàn Quốc vào năm 2007 đạt mức tăng trưởng 5% nhưng trang web Moody’s Economy.com dự đoán tỷ lệ tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm 2008 chỉ vào khoảng 4% và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc thì dự đoán chỉ đạt 4,7% trong năm nay.
Dự án Kênh Đại Hàn của Tổng thống Lee cũng phù hợp với truyền thống chính trị Hàn: Mỗi vị lãnh đạo đều muốn để lại dấu ấn bằng một siêu dự án, có thể là một tuyến đường sắt cao tốc hoặc một sân bay quốc tế mới. 5 năm trước, khi ông Roh Moo Hyun trở thành tổng thống, ông đã toan dời đô khỏi Seoul, nơi giới chính trị và kinh doanh xem là “nhà” từ 6 thế kỷ qua.
Nhưng ông Roh “thua” to, khi Tòa án Hiến pháp tuyên hủy kế hoạch này cũng như vì sự phản đối của ông Lee khi còn là thị trưởng Seoul. Con Kênh Đại Hàn sẽ giúp Hàn Quốc nổi tiếng hơn. Đó là điều chắc chắn. Thế giới sẽ muốn biết các kỹ sư làm con kênh vượt núi thế nào, nhất là khi con kênh có một giá trị quá lớn.
Hồi tháng 2, diễn đàn chống Kênh Đại Hàn do 80 giáo sư Trường đại học quốc gia Seoul tổ chức, nói Tổng thống Lee chỉ tốn thời gian và “lừa dối nhân dân”. |
Anh Thao