Hàn Quốc và quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia: Chiến lược quy mô, tập trung

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, sự cạnh tranh phát triển giữa các quốc gia lại càng gay gắt hơn bao giờ hết. Cái khó của mỗi nước là làm sao có sự đột phá trong cách quảng bá, tạo hình ảnh đẹp và thân thiện đủ để nâng thương hiệu quốc gia lên một vị trí tầm cỡ. Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á làm được điều này.
Hàn Quốc và quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia: Chiến lược quy mô, tập trung

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, sự cạnh tranh phát triển giữa các quốc gia lại càng gay gắt hơn bao giờ hết. Cái khó của mỗi nước là làm sao có sự đột phá trong cách quảng bá, tạo hình ảnh đẹp và thân thiện đủ để nâng thương hiệu quốc gia lên một vị trí tầm cỡ. Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á làm được điều này.

Tiềm năng du lịch y tế

Du lịch y tế về cơ bản được xem là sự kết hợp giữa du lịch ra nước ngoài và chăm sóc sức khỏe như kiểm tra sức khỏe định kỳ, phẫu thuật thẩm mỹ hay đơn giản chỉ là khám răng… Trong xu thế hiện nay, nhờ y học phát triển cùng với nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, du lịch y tế trở thành mục tiêu được nhiều quốc gia có dịch vụ y tế phát triển hướng đến. Nhờ luật mới của Chính phủ (ban hành năm 2009) nới lỏng quy định về việc cho phép các bệnh viện trong nước phục vụ khách nước ngoài, hoạt động du lịch y tế ở xứ sở kim chi đang phát triển rất nhanh chóng.

Hàn Quốc chọn du lịch y tế là một trong những mũi nhọn phát triển thương hiệu quốc gia

Hàn Quốc chọn du lịch y tế là một trong những mũi nhọn phát triển thương hiệu quốc gia

Chính phủ Hàn Quốc năm 2009 đã tuyên bố 17 nhóm ngành tạo động lực cho sự phát triển, trong đó chú trọng ngành du lịch chữa bệnh vốn đã được Thái Lan, Singapore hay Ấn Độ khai thác rất thành công. Tham vọng của Hàn Quốc là biến đất nước này thành nơi du lịch để chữa bệnh hàng đầu trong khu vực. Năm ngoái, có đến 60.000 lượt khách du lịch đến chữa bệnh tại Hàn Quốc, gấp 1,5 lần (40.000 lượt khách) so năm 2008 và mang lại 48 triệu USD cho nước này.

Trong số các dịch vụ y tế trọng tâm được Hàn Quốc đặc biệt phát triển có phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình, điều trị các bệnh ung thư, các bệnh về xương sống, y học cổ truyền… Từ năm 2007, Bộ Y tế, Phúc lợi và Gia đình cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã bắt tay hợp tác bằng cách cấp visa riêng cho những đối tượng đến Hàn Quốc trị bệnh theo tour và đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh. Hàn Quốc cũng ban hành chính sách cấp visa y tế dài hạn cho bệnh nhân nước ngoài cùng gia đình, và cho phép đổi khi hết hạn.

Cũng trong năm 2007, Chính phủ Hàn Quốc đã hợp tác với 28 bệnh viện tư thành lập Hội đồng Thúc đẩy du lịch y tế Hàn Quốc ở nước ngoài (CKMP) để giúp du khách nước ngoài lựa chọn các bệnh viện và các chuyến du lịch trọn gói thích hợp. Trung tâm Y tế Samsung tại Seoul cũng đã giới thiệu chương trình chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho các tổng giám đốc, một chương trình kiểm tra sức khỏe cao cấp dành cho các khách hàng đến từ nước ngoài. Bệnh viện Y học phương Đông Jaseng cũng khai trương một tòa nhà mới để phục vụ riêng cho du khách nước ngoài. Các bệnh viện ở khu Gangnam (Seoul) cũng giới thiệu Hiệp hội Du lịch y tế nhằm quảng bá cho các dịch vụ cao cấp của bệnh viện thông qua các triển lãm và hội thảo y tế ở nước ngoài.

Những việc làm này đã góp phần gia tăng lượng khách du lịch y tế tới Hàn Quốc. Chính phủ nước này cũng thông qua các cửa hàng tại sân bay hoặc qua các kênh truyền thông nước ngoài để quảng bá về các dịch vụ du lịch y tế thuận tiện, giúp người bệnh chăm sóc sức khỏe trong suốt chuyến đi.

Chi phí thấp

Một trong những điểm cộng được ghi nhận của y tế Hàn Quốc là chi phí cho các dịch vụ y khoa tại đây thấp hơn nhiều so với Mỹ hay Nhật Bản, hai quốc gia từ lâu nổi tiếng với những kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại bậc nhất. Ví dụ, một ca phẫu thuật bệnh trĩ nếu thực hiện ở Mỹ phải tốn 10,91 triệu won (9.640 USD) nhưng chỉ mất 1,27 triệu won (1.120 USD) tại Hàn Quốc. Trung bình, một ca phẫu thuật ở Hàn Quốc rẻ hơn từ 6-13 lần chi phí ở Mỹ. Nếu so sánh với giá phẫu thuật ở các nước châu Á khác như Thái Lan hay Singapore, chi phí ở Hàn Quốc cũng rẻ hơn khá nhiều.

Một quan chức của CKMP cho hay, chi phí trung bình của một chuyến du lịch y tế cho bệnh nhân nội trú tại bệnh viện ở Mỹ khoảng trên 3.700 USD, cao hơn 13 lần so với chi phí tại Hàn Quốc. Đối với điều trị ngoại trú, chi phí trung bình cho các bệnh nhân ngoại trú tại Mỹ 13.000 USD, cao hơn 9 lần chi phí tại Hàn Quốc. Số liệu thống kê của CKMP cho thấy, tổng chi phí cho vé máy bay, khách sạn, bảo hiểm du lịch, thuê xe, mua sắm... chỉ bằng 50% hoặc thậm chí còn 10% so với chi phí tại nhiều nước khác.

Tạo ảnh hưởng qua phim ảnh,thể thao

Không phải hiển nhiên ngành giải phẫu thẩm mỹ của Hàn Quốc được chú ý nhiều như vậy. Xuất phát từ ý thức xây dựng hình ảnh con người Hàn Quốc với vẻ đẹp thuần châu Á, trẻ trung nhưng không kém phần hiện đại, thu hút. Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc là cầu nối cho nhiều lĩnh vực khác của Hàn Quốc hội nhập với khu vực và quốc tế, tạo nên thương hiệu quốc gia trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, yếu tố “mềm” được Hàn Quốc tận dụng triệt để và đạt hiệu quả ấn tượng.

Thập niên 1990, người xem ấn tượng với bộ phim “Anh em nhà bác sĩ” khi họ được chứng kiến những ca phẫu thuật trên phim không khác gì hình ảnh thật. Ca ghép tim thành công ở cuối phim là thông điệp khéo léo mà những nhà làm phim của đất nước này muốn gửi gắm đến khán giả về kỹ thuật trình độ phẫu thuật ở Hàn Quốc. Hay bộ phim cổ trang “Thần Y Hur Joon” đặc tả lại ngành y học cổ truyền quý giá. Người xem như chứng kiến tận mắt và thu hút bởi bởi những hình ảnh tích cực về nghề y của Hàn Quốc, dù ở giai đoạn cổ xưa hay hiện đại. Mỗi bộ phim Hàn Quốc đều được đầu tư kỹ càng nhằm thu hút khách hàng tiềm năng đến với đất nước của mình.

Một chiến lược khác được Hàn Quốc sử dụng hiệu quả chính là biểu tượng hóa một số cá nhân để trở thành khuôn mặt đại diện của quốc gia. Có thể bạn không say mê hoạt động văn hóa-nghệ thuật-thể thao của Hàn Quốc nhưng có một số tên tuổi khi được nhắc đến, bạn liên tưởng ngay đến một dân tộc châu Á đang khát khao vươn lên. Đó là tên tuổi của nữ hoàng trượt băng nghệ thuật Kim Yu-na, cầu thủ bóng đá nổi tiếng Ahn Jung Hwan hay thủ quân đội tuyển quốc gia Park Ji-sung được nhắc đến với những thành tích quốc tế nổi bật.

Thực tế, văn hóa Hàn Quốc đang có sức lan tỏa lớn, ảnh hưởng lớn đến các nền văn hóa khác của châu Á, nhất là khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Hiện nay, lượng xuất khẩu các chương trình truyền hình của Hàn Quốc mỗi năm đã vượt 105 tỷ won (91 triệu USD), gấp 20 lần so với thập kỷ trước. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch nước ngoài đến đây qua các tour du lịch trọn gói tăng đến mức kỷ lục 320.000 người/năm. Công viên Dae Jang Geum (từ bộ phim nàng Dae Jang Geum gây sốt trên thị trường phim Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia trong khu vực) ở tỉnh Kyonggi giờ đây trở thành điểm thu hút khách chính của Hàn Quốc với mỗi tháng có tới 120.000 khách nước ngoài.

Kế hoạch dài hơi

Kết quả đánh giá giá trị thương hiệu quốc gia do Viện Nghiên cứu chính sách công nghiệp Hàn Quốc thực hiện trong 3 năm gần đây cho thấy, thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc hiện nay tương đương 1.100 tỷ USD. Dịch vụ đang trở thành động lực chính thúc đẩy GDP và từ thành quả trên Hàn Quốc muốn mở rộng chinh phục thế giới một cách toàn diện hơn nữa.

Theo một thông báo mới đây của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO), nước này đang hướng tới mục tiêu thu hút 70.000 khách du lịch y tế để mang về lợi nhuận hơn 530 triệu USD trong năm 2010 và 200.000 du khách du lịch y tế vào năm 2012 với lợi nhuận 816 triệu USD.

Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak đã lên kế hoạch chính thức thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban về thương hiệu quốc gia từ đầu năm 2009. Ủy ban này đã thống nhất mỗi năm chi số tiền khoảng 100 tỷ won (74 triệu USD) để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu quốc gia.

Cựu Chủ tịch Đại học Seoul, ông Euh Yoon-dae, vừa đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Thương hiệu Quốc gia đầu tiên thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, một trong những cách Hàn Quốc chọn để nâng cao hình ảnh của mình đối với cộng đồng quốc tế là tập trung hỗ trợ những quốc gia nghèo, kém phát triển hoặc hỗ trợ những quốc gia trong khu vực gặp khó khăn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia về thương hiệu, càng tích cực gây quỹ và tham gia vào càng nhiều hoạt động xã hội mang tính quốc tế sẽ đưa hình ảnh quốc gia trở nên thân thiện trong mắt bạn bè và đối tác.

Mục tiêu của Hàn Quốc trở thành một trong 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong tương lai cho dù đang gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ của các quốc gia trong nhóm các nước mới nổi BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).

NHƯ QUỲNH (theo Korea Times, national-branding.info)

Tin cùng chuyên mục