Thời gian gần đây, hiện tượng tư thương Trung Quốc thu mua heo với giá cao, lại làm tư thương nước ta ồ ạt thu gom heo ở khắp ba miền chở lên biên giới phía Bắc bán sang Trung Quốc. Ngược lại, trái cây đang vào mùa thu hoạch nhưng nhà vườn lại đang lo lắng vì rớt giá thê thảm do tư thương Trung Quốc “chơi xấu” ép giá.
Thu vét và ép giá
Theo Trạm kiểm dịch động vật Móng Cái (Quảng Ninh), khoảng 1-2 tháng nay, rất nhiều xe chở heo hơi từ dưới xuôi lên cửa khẩu Móng Cái bán cho tư thương Trung Quốc. Vào hồi đầu năm, tình trạng tư thương Trung Quốc ồ ạt thu mua các loại heo nái, heo sữa của nước ta với giá cao đã làm thị trường thịt heo nội địa mất cân đối cung cầu nghiêm trọng, đẩy giá thịt tăng cao suốt nhiều tháng liền. Hiện nay, giá thịt heo bán ở chợ còn chưa “hạ nhiệt” thì tư thương vẫn không ngừng thu gom heo để bán sang Trung Quốc. Theo nhiều người, đây là hiện tượng đáng lo ngại.
Không chỉ thông qua mạng lưới thương lái Việt Nam, tư thương Trung Quốc còn sang tận các tỉnh ĐBSCL thu gom heo nái và heo sữa đưa về nước. Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nguyên nhân tư thương Trung Quốc đổ xô săn lùng heo của nước ta là do giá cả thực phẩm của nước họ tăng rất cao, nguồn thực phẩm thiếu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở chỗ không chỉ riêng thịt mà nhiều mặt hàng nông sản khác như sắn lát, nguyên liệu thủy sản, tiêu, cà phê... đều bị tư thương Trung Quốc tìm cách thu vét với giá cao. Tại nhiều nơi ở Tây Nguyên, miền Trung, miền núi phía Bắc... đều có bóng dáng tư thương Trung Quốc vào tận vườn, vựa để thu mua sắn nguyên liệu, tiêu, cà phê, thủy sản...
Lẽ ra việc tiêu thụ được nông sản, gia súc là điều đáng mừng, nhưng tại hội thảo về tình hình thị trường thức ăn chăn nuôi vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay do tư thương của Trung Quốc ra sức săn lùng nguyên liệu sắn lát nên các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước bị thiếu nguyên liệu. Mỗi ngày, có hàng trăm chuyến xe chở sắn lát lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Theo ông Lịch, tình trạng tư thương Trung Quốc ráo riết thu mua sắn lát, đẩy giá sắn ở trong nước lên cao, từ 1.500-2.000 đồng/kg trước đây lên 5.500-6.000 đồng/kg như hiện nay, mặc dù tăng thêm thu nhập cho nông dân nhưng khi giá nguyên liệu cao sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng theo, cùng với hiện tượng heo hơi ồ ạt bán sang Trung Quốc, làm giá thịt tăng cao, từ đó tác động dây chuyền đến giá thực phẩm các loại, ảnh hưởng tới người tiêu dùng cũng như mục tiêu bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản chúng ta sản xuất nhiều nhưng khi xuất khẩu sang Trung Quốc lại liên tục bị ép giá, ế ẩm nơi cửa khẩu. Tại tỉnh Bắc Giang, hiện mùa vải thiều đã bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, năm nào vải chở lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Lào Cai cũng bị tư thương Trung Quốc ép giá. Nhiều doanh nghiệp sợ thua lỗ không dám bán. Sau 1-2 ngày, vải để lâu càng hỏng, đành phải bán rẻ như cho. Tại Tân Thanh, cửa ngõ chính về mua bán các loại trái cây giữa Việt Nam và Trung Quốc, hầu như cứ 1-2 tháng lại xảy ra một vụ ùn tắc xe chở vải thiều, dưa hấu, thanh long, chuối... do phía tư thương Trung Quốc ép giá khi thấy chúng ta ồ ạt đưa hàng lên biên giới.
Giám sát nguồn cung
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT), để đảm bảo an toàn về thị trường, bà con nông dân cần phải tuân thủ đúng quy hoạch, không thể nương theo giá cả mua bán có tính tức thời của thương nhân Trung Quốc để phá vỡ quy hoạch, như sắn là một bài học. Trước đây, khi sắn được thu mua với giá cao, nông dân đã phá rừng, những cây trồng khác như mía, cà phê... để trồng sắn. Trong khi Bộ NN-PTNT chủ trương không mở rộng thêm diện tích sắn, chỉ duy trì diện tích cả nước khoảng 400-450 ngàn ha.
Để kiểm soát tình trạng tư thương Trung Quốc ồ ạt thu vét nông sản cần cho chế biến trong nước, ông Lê Bá Lịch cho rằng, các cơ quan quản lý nên tùy vào tình hình để đưa ra các hàng rào kỹ thuật. Chẳng hạn chúng ta có thể đánh thuế xuất khẩu cao với các mặt hàng trong nước đang hạn chế xuất khẩu.
Còn TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho rằng, để hạn chế tình trạng hàng nông sản của Việt Nam khi bội thu, đưa lên cửa khẩu thường bị tư thương Trung Quốc ép cấp, ép giá… cần phải đề cao vai trò quản lý của Nhà nước, có liên quan tới việc cung cấp thông tin và đưa ra những cảnh báo cho nông dân cũng như doanh nghiệp kinh doanh nông sản. “Tình trạng phổ biến hiện nay của chúng ta là chỉ tích cung, sản lượng càng cao càng tốt mà không tính tới giá trị cũng như an toàn thị trường tiêu thụ. Do đó, để khắc phục tình trạng liên tục dư thừa nông sản, ùn ứ khi xuất khẩu, cần phải chuyển sang đẩy mạnh giám sát nguồn cung. Và muốn làm được như vậy phải có đầy đủ thông tin và cảnh báo tốt”- ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, vai trò “cảnh báo”, Bộ NN-PTNT có thể định hướng cho người nông dân năm nay cần trồng loại trái cây nào, chỉ dừng lại ở diện tích và sản lượng bao nhiêu là hợp lý, để có thể bán giá cao. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin về thị trường nông sản tại các cửa khẩu để doanh nghiệp có thể chủ động dừng đưa hàng lên cửa khẩu trong thời điểm hàng ùn tắc.
Phúc Hậu