Trong bối cảnh hàng ngoại có xu hướng lấn lướt, để thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ hàng Việt, nếu chỉ có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp (DN) thôi thì chưa đủ, mà cần đến một sức mạnh “bó đũa” - sức mạnh của cả dân tộc.
Chủ động tiếp cận sân nhà
Việc thâu tóm hàng loạt hệ thống bán lẻ tại Việt Nam trong một thời gian rất ngắn của các đại gia nước ngoài, cộng với những động thái nâng chiết khấu để làm khó hàng Việt, đã trở thành nỗi lo lớn với DN trong nước. Làm gì để đối phó với tình trạng này?
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, khẳng định việc đưa sức cạnh tranh của DN lên tầm khu vực là con đường hội nhập bền vững nhất. Để đạt được mục tiêu đó, Công ty Giấy Sài Gòn đã thực hiện hai việc chính là củng cố nội lực và tăng trưởng thị phần. Những năm gần đây, công ty đã đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực, chuẩn hóa hệ thống, tăng hiệu suất hoạt động gấp 2 lần. Số nhân viên giảm 30% (cắt giảm 400 CBNV, từ 1.400 người năm 2012 xuống còn 1.000 người), chi phí giảm sâu trong khi doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Xét về công suất, Công ty Giấy Sài Gòn đứng đầu cả nước về giấy tiêu dùng (hơn 43.680 tấn) và thứ hai sau VinaKraft đối với giấy công nghiệp; xét về thị phần, Công ty Giấy Sài Gòn đứng đầu thị trường với 20% thị phần. Năm 2015, khi nhà máy mới 120 triệu USD bắt đầu sản xuất, nguồn cung cho thị trường tăng thêm 224.640 tấn giấy công nghiệp/năm. Bên cạnh tăng sản lượng, Công ty Giấy Sài Gòn tập trung phát triển mạnh chuỗi phân phối trong nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Theo ông Vị, công ty đã chuẩn bị cho hội nhập trong suốt 10 năm qua nên có thể lâm trận để đánh trong tư thế chủ động, giờ mà còn bàn chuyện bắt đầu từ đâu, sẽ rất khó!
Sản xuất quạt điện cung ứng hàng tiêu dùng tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn Ảnh: CAO THĂNG
Kể câu chuyện quay về thị trường trong nước và chinh phục thành công người tiêu dùng, ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1, cho rằng phải không ngừng đầu tư và đổi mới để tạo nên sự khác biệt trong từng sản phẩm. Phải biết người tiêu dùng đang cần gì, từ đó mới định hướng sản xuất đúng. Chẳng hạn, một bộ sản phẩm xuất khẩu của Minh Long có giá bán lên tới vài chục triệu đồng, nhưng nếu ở trong nước mà bán với giá này là thua. Do vậy, phải hài hòa về chất lượng, mẫu mã và giá thành mới có thể đứng vững trên thị trường.
Hợp sức để tạo nội lực
Còn rất nhiều sản phẩm Việt đã và đang phát triển mạnh mẽ trên sân nhà như chuyện về chiếc cặp xách siêu nhẹ của Công ty Hương Mi, chiếc bút bi nhỏ bé của Thiên Long, hay dòng sản phẩm dầu gội đầu dành cho nam giới của ICP… Tất cả những sản phẩm này đều có chung một xuất phát điểm, đó là khát khao chinh phục và chủ động dẫn dắt thị hiếu tiêu dùng bằng chất lượng hàng hóa.
Tuy nhiên, vẫn có DN không thành công khi quay về nội địa, sau một thời gian dài chỉ chú trọng xuất khẩu. Cũng đã có không ít sản phẩm, thương hiệu Việt đang dần bị lu mờ trước một rừng sản phẩm ngoại nhập cùng loại. Hàng Việt đang có dấu hiệu bị cô lập dưới nhiều hình thức khác nhau ngay trên sân nhà. Do vậy, muốn đầu tư phát triển thị trường nội địa, các DN cần xác định rõ rào cản lớn nhất chính là ý thức tiêu dùng. Nghĩa là, việc xóa bỏ tâm lý hàng nội luôn kém chất lượng, nâng cao niềm tự hào dân tộc và ý thức về vai trò quan trọng của người tiêu dùng trong việc góp phần vào sự phát triển tự chủ nền kinh tế đất nước qua hành động chọn mua hàng Việt, là chiến lược hàng đầu để giành thị phần trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn đa quốc gia.
Quay trở lại vấn đề, làm gì để hàng Việt chinh phục thị trường Việt? Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, khẳng định, cho dù nhiều hệ thống siêu thị tại Việt Nam đang có sự đổi chủ, hay bất cứ một tập đoàn bán lẻ nào vào Việt Nam thì họ vẫn cần có hàng hóa để bán. Do vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là chất lượng hàng hóa và chiến lược kinh doanh, sẽ quyết định yếu tố sống còn của từng DN trong cạnh tranh.
Ở tầm vĩ mô, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, kiến nghị Chính phủ nên xây dựng chiến lược quốc gia ngành bán lẻ Việt Nam; xây dựng 20 DN bán lẻ hàng đầu của Việt Nam có thực lực phát triển mạnh để cạnh tranh với nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục đẩy nhanh việc ban hành các chính sách cụ thể để bảo vệ DN bán lẻ, thị trường bán lẻ trong nước. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cũng cho rằng đã đến lúc các bộ, ngành chức năng cần kiểm tra, rà soát toàn bộ công tác cấp phép mở điểm bán mới đối với các DN bán lẻ nước ngoài nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, sự công bằng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. Cụ thể, trước khi các DN nước ngoài mở cơ sở bán lẻ phải xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm đó (quy định ENT), nếu đảm bảo mới cấp phép, tránh tình trạng trên cùng một đoạn đường ngắn (như đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp - PV) có tới 4 đại siêu thị “mọc” lên, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, các DN Việt Nam cần hợp sức để tiếp tục phát triển chuỗi sản xuất và phân phối những sản phẩm hiện đang có thế mạnh để "đối đầu" với hàng ngoại. Ðể làm được việc này, Nhà nước phải đóng vai trò là "bà đỡ", cần chọn lọc danh sách những DN xứng đáng có tầm nhìn, có tinh thần quốc gia, dân tộc, từ đó có những chính sách đầu tư, hỗ trợ hợp lý, để những DN này phát triển mạnh mẽ ra thế giới, trở thành hình ảnh đại diện của quốc gia.
THÚY HẢI