Hàng Việt còn… xa người lao động

Quá ít thông tin về hàng Việt
Hàng Việt còn… xa người lao động

Dù là đối tượng có thu nhập thấp nhưng công nhân lao động (CNLĐ) mới chỉ sử dụng khoảng 20% hàng Việt trong tổng số nhu cầu chi dùng của mình. Thực tế trên đã được đặt ra trong buổi tọa đàm “Làm gì để CN ưu tiên dùng hàng Việt” do Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, Quỹ Hỗ trợ công nhân TPHCM và Báo Người Lao động tổ chức tại KCX Tân Thuận sáng 6-9.

Quá ít thông tin về hàng Việt

Chỉ tay về phía những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao được trưng bày trong một góc phòng tại buổi tọa đàm, chị Dương Thị Tiến, CN Công ty Yuki nói: “Thiệt tình là tới bữa nay tôi mới biết những sản phẩm được trưng bày trên kia là hàng Việt Nam vì nhiều sản phẩm có tên gọi giống hàng nước ngoài quá. Nhiều khi chúng tôi muốn mua nhưng lại phân vân vì không biết đó có phải là hàng Việt không. Thông tin quá ít, chúng tôi cũng không rõ về chất lượng sản phẩm nội nên không dám xài, sợ mua nhằm hàng dỏm. Nhiều khi muốn mua hàng Việt chất lượng tốt cũng không biết tìm ở đâu”.

Cùng suy nghĩ với chị Tiến, bạn Nguyễn Công Tới, CN Công ty FAPV, bộc bạch: “Từ nhỏ tới giờ thật sự là mình không đánh giá cao hàng nội. Hàng ngày coi ti vi cũng thấy quảng cáo về hàng ngoại, thấy hàng ngoại kiểu dáng đẹp, bắt mắt nên rất thích và trong đầu lúc nào cũng có suy nghĩ là hàng ngoại thì tốt hơn, sang hơn hàng nội”.

Bạn Đỗ Ngọc Sĩ, CN Công ty Nidec Tosok, thú thật: “CN đi làm, tăng ca cả ngày, tối về mệt chỉ muốn ở nhà ngủ, đâu có thời gian đi tìm hiểu, cũng không có tiền xài thử hàng Việt để biết tốt hay xấu.. Cho nên nếu cùng một sản phẩm mà hàng ngoại giá rẻ hơn thì tụi em sẽ không chọn hàng nội”.

Lý giải vấn đề này, Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM, chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến tại một vùng quê, bà con mình nhất định bỏ tiền ra mua nước rửa chén Sunlight dù sản phẩm này mắc hơn, khối lượng ít hơn và chất lượng không khác biệt mấy so với nước rửa chén Mỹ Hảo. Lý do rất đơn giản: Trên tivi quảng cáo là nước rửa Sunlight tốt và kiểu dáng chai Sunlight đẹp hơn. Thực tế, số DN Việt Nam có đủ tiền để chi đậm cho quảng cáo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi nếu không quảng cáo thì người tiêu dùng không biết đến sản phẩm, không tin là sản phẩm đó, thương hiệu đó đáng tin cậy”.

Công nhân thích hàng Việt Nam chất lượng cao vì đẹp và vừa túi tiền.

Công nhân thích hàng Việt Nam chất lượng cao vì đẹp và vừa túi tiền.

Không thể chỉ cạnh tranh bằng “lòng yêu nước”

Ông Lưu Bá Tòng, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao động, dẫn chứng: “Có lần, tôi mua một đầu DVD của một công ty Việt Nam. Thế nhưng xài được một thời gian thì máy liên tục gặp trục trặc, bảo hành 2 lần vẫn không dùng được. Trong khi cùng sản phẩm đó, hàng ngoại chỉ mắc hơn 600 ngàn mà chất lượng thì hơn hẳn. Cho nên, tôi cho rằng người Việt mình không hẳn đã quay lưng với hàng Việt mà chỉ buồn hàng Việt, giận hàng Việt vì chất lượng chưa đảm bảo. Ai cũng nói dùng hàng nội hóa là yêu nước nhưng với những người có thu nhập hạn chế như anh em CN, nếu hàng Việt vẫn không đảm bảo chất lượng thì chắc anh em cũng chỉ có thể “yêu nước” được 1 - 2 lần thôi”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Công Trang, Giám đốc kinh doanh khu vực phía Nam của Công ty Vina Soy, bày tỏ: “Thị trường cạnh tranh rất khốc liệt. Khi sản phẩm đã ra thị trường thì không thể có sự phân biệt, ưu tiên duy ý chí nào. Chất lượng, giá cả vẫn là yếu tố cạnh tranh quan trọng nhất”.

Để hàng Việt tiếp cận được với CN, bạn Nguyễn Thị Hồng Nga, CN Công ty Nidec Tosok, hiến kế: “Vào những chiều thứ bảy, CN tụi em được nghỉ làm hoặc về sớm, thường kéo nhau đi dạo hay mua sắm. Nếu các DN Việt Nam không có tiền quảng cáo nhiều trên tivi thì hãy tổ chức những gian hàng giới thiệu sản phẩm, những phiên chợ phục vụ CN, vừa tiếp thị sản phẩm, vừa thắt chặt thêm tình cảm với người tiêu dùng. Ngoài ra, vào những dịp lễ, tết, CN thường phải mua quà gửi về quê, nếu các DN nắm bắt được thời điểm này mà tổ chức hội chợ ngay tại các KCX-KCN hay những khu có đông CN thì chắc chắn sẽ bán được hàng. Hơn nữa, những món quà Việt khi được gửi về tới những vùng quê thì nhiều người ở quê sẽ biết thêm về hàng Việt, từ đó sẽ lựa chọn hàng Việt".

Bạn Nguyễn Hoàng Giang, CN Công ty Nissei, góp ý: “Do CN không có nhiều thời gian nên tôi nghĩ các DN nên tranh thủ giờ nghỉ giải lao ngay tại công ty để phát băng quảng cáo, cung cấp thêm thông tin cho CN về hàng Việt thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ. Ngoài ra, nên duy trì thường xuyên những phiên chợ vui, phiên chợ thân thiện, hội chợ hàng Việt để tạo điều kiện cho CN được sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao”.

“Muốn người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt thì trước mắt các DN phải ưu tiên cho người tiêu dùng cái đã. Trước đây, nhiều DN Việt Nam chỉ định hướng sản xuất là để xuất khẩu. Bây giờ quan điểm này đang thay đổi và buộc phải thay đổi. Để phát triển thị trường nội địa và định hướng phục vụ người tiêu dùng trong nước, DN Việt Nam cần lựa chọn cách đặt tên sản phẩm bằng tiếng Việt sao cho gần gũi với người Việt. Ngoài ra cần chủ động đưa hàng Việt đến tận những vùng sâu vùng xa, những khu tập trung đông CNLĐ” - bà Vũ Kim Hạnh đề xuất.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục