Những hàng nội trội hơn hàng ngoại

Nhằm khẳng định thương hiệu trên thị trường nội địa, nhiều sản phẩm công nghiệp không ngừng nỗ lực đầu tư, sáng tạo để tạo ra chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng (NTD). Từ đó, không ít sản phẩm dần chiếm lĩnh được thị trường, thậm chí lấn át cả hàng ngoại đang ồ ạt tràn vào.
Những hàng nội trội hơn hàng ngoại

Nhằm khẳng định thương hiệu trên thị trường nội địa, nhiều sản phẩm công nghiệp không ngừng nỗ lực đầu tư, sáng tạo để tạo ra chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng (NTD). Từ đó, không ít sản phẩm dần chiếm lĩnh được thị trường, thậm chí lấn át cả hàng ngoại đang ồ ạt tràn vào.

Công nhân KCN Tân Tạo mua hàng khuyến mãi tại xe bán hàng lưu động do Satra tổ chức. Ảnh: Cao Thăng

Công nhân KCN Tân Tạo mua hàng khuyến mãi tại xe bán hàng lưu động do Satra tổ chức. Ảnh: Cao Thăng

  • Sản phẩm nội “lên ngôi”

Trước đây, khi bước vào những cửa hàng, trung tâm điện máy - điện lạnh - đồ gia dụng, NTD thường bị hoa mắt khi chứng kiến cảnh hàng ngoại trưng bày kín các gian hàng, trong khi đó hàng nội gần như vắng bóng. Tuy nhiên, những năm gần đây, thương hiệu hàng nội đã dần được NTD “để mắt”, nhiều sản phẩm lên ngôi tiêu thụ mạnh, ngay cả hàng ngoại đứng cạnh cũng phải lép vế.

Đơn cử như mặt hàng quạt gió, hiện nay trên thị trường đa phần là hàng trong nước sản xuất với lợi thế chất lượng tốt và giá thành hợp lý. Tại Trung tâm Điện máy Ideas Chợ Lớn, trên đường Nguyễn Tri Phương quận 5 hay Trung tâm Điện máy Sài Gòn, đường Nguyễn Thị Minh Khai quận 3, các khu vực dành cho loại sản phẩm này khá rộng và chủ yếu là thương hiệu trong nước như Asia, Senko… có giá khoảng 200.000 - 500.000 đồng/sản phẩm và bán khá chạy. Trong khi đó, các thương hiệu ngoại như Tifa, Lifai… giá trên dưới 1 triệu đồng/cái lại rất ế ẩm.

Chị Vương Thị Hồng Yến, tổ trưởng bán hàng tại Trung tâm Điện máy Sài Gòn, cho biết, tại đây hầu như chỉ bán được quạt trong nước, một số quạt để bàn hay quạt hình tháp (dạng quạt đứng) nhập về ít nhưng bán cũng rất chậm. Nguyên nhân là hàng nội có giá khá thấp so với hàng ngoại và chất lượng, mẫu mã cũng phong phú. Ngoài ra, khi mua sản phẩm nội nếu xảy ra hư hỏng dễ có phụ tùng thay thế. Đây là lợi thế để NTD ưu tiên mua sản phẩm nội so với hàng ngoại.

Theo chị Yến, tại hệ thống Trung tâm Điện máy Sài Gòn, những sản phẩm như bếp gas… sản xuất trong nước cũng được NTD mua nhiều, chiếm ưu thế hơn hẳn so với hàng ngoại.

Tương tự, tại hệ thống siêu thị Big C hay Trung tâm Kim khí điện máy Nguyễn Kim, Phan Khang, các sản phẩm tủ lạnh, tivi, công nghệ thông tin… sản xuất trong nước cũng có một vị trí đáng kể. Chẳng hạn như sản phẩm của Công ty cổ phần Điện tử Tân Bình (VTB) với ưu thế thương hiệu Việt lâu năm và giá cả đưa ra thị trường khá rẻ nên NTD rất tín nhiệm. Trong đó sản phẩm như ti vi, tủ lạnh… tăng trưởng 2 năm qua từ 20% đến 35% mỗi năm, tùy ngành hàng.

“Các năm trước, do sức ép cạnh tranh trước các đối thủ hàng ngoại nên VTB chỉ nhắm vào thị trường tỉnh lẻ. Tuy nhiên gần đây, bằng việc mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng, đặc biệt là nâng tầm chất lượng sản phẩm và đa dạng mẫu mã ngành hàng, VTB đã khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống trung tâm, siêu thị tại các thành phố lớn” - Giám đốc VTB Ngô Văn Vị cho hay.

Hầu hết quạt sản xuất trong nước được bán tại Trung tâm điện máy Sài Gòn.

Hầu hết quạt sản xuất trong nước được bán tại Trung tâm điện máy Sài Gòn.

  • Không ngại cạnh tranh

Có thể khẳng định, bằng việc đầu tư có chiều sâu, bền vững, hàng loạt sản phẩm trong nước đang từng bước “lột xác và đánh bật” sản phẩm ngoại. Thép là một sản phẩm cũng chịu sức ép cạnh tranh trước sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực về giá, nhưng nay chất lượng của những nhà máy sản xuất trong nước đã có thể cạnh tranh trực tiếp, ngay cả khi thuế suất nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á qua Việt Nam chỉ còn 0%.

Dù vậy, để hầu hết các lĩnh vực đều có thể tự khẳng định được vị thế trên thị trường nội địa, thì việc điều hành vĩ mô kịp thời của các ngành chức năng hết sức quan trọng. Tổng Giám đốc Công ty thép Việt (Pomina) Đỗ Duy Thái cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước về chiến thuật cũng như chiến lược. Do đó đề nghị nên thực hiện lâu dài, tạo nên ý thức, thói quen cho NTD có cái nhìn tích cực về sản phẩm trong nước.

Song song với việc tuyên truyền, Nhà nước nên có chính sách chỉ cho nước ngoài đầu tư 100% vốn trong lĩnh vực Việt Nam không thể làm, các ngành khác nên cho đầu tư dưới 30%. Điều này, Trung Quốc đã làm đối với ngành thép.

Trưởng phòng Truyền thông Công ty TNHH TMSX quạt Việt Nam (Asia) Trần Thạch Quang cho rằng, với ưu thế sân nhà, nếu phát huy tốt, các doanh nghiệp trong nước không ngại cạnh tranh về giá với hàng ngoại. Trong đó, doanh nghiệp cần làm tốt hơn việc quảng bá thương hiệu sản phẩm, thực hiện tốt các chế độ chăm sóc khách hàng và đặc biệt là không ngừng đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để tạo ra những sản phẩm ngày một tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD.

Ngoài ra, các ban ngành địa phương, quản lý thị trường, thuế vụ… cần tăng cường kiểm tra kiểm soát để triệt bỏ hàng gian, hàng giả, gây thiệt hại cho doanh nghiệp lẫn NTD. 

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục