Phát triển thương hiệu thời trang nội địa - Bài 1: Đường về trắc trở

Việt Nam đã lọt vào top 10 nước xuất khẩu (XK) hàng dệt may lớn nhất thế giới, thế nhưng, hầu hết hàng XK đều dưới tên gọi của nhãn mác các hãng thời trang nước ngoài. Ngay ở thị trường nội địa với sức tiêu thụ của 86 triệu dân, thời trang Việt cũng đuối thế trước thời trang ngoại. Trong thời điểm “người người” quyết tâm phát triển thời trang Việt như hiện nay, để giành lại lợi thế ngay trên sân nhà cũng không phải là chuyện dễ làm.
Phát triển thương hiệu thời trang nội địa - Bài 1: Đường về trắc trở

Việt Nam đã lọt vào top 10 nước xuất khẩu (XK) hàng dệt may lớn nhất thế giới, thế nhưng, hầu hết hàng XK đều dưới tên gọi của nhãn mác các hãng thời trang nước ngoài. Ngay ở thị trường nội địa với sức tiêu thụ của 86 triệu dân, thời trang Việt cũng đuối thế trước thời trang ngoại. Trong thời điểm “người người” quyết tâm phát triển thời trang Việt như hiện nay, để giành lại lợi thế ngay trên sân nhà cũng không phải là chuyện dễ làm.

Một số trang phục do nhà thiết kế trong nước thực hiện. Ảnh: VIỆT DŨNG

Một số trang phục do nhà thiết kế trong nước thực hiện.
Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhiều rủi ro!
 
Việc phát triển thời trang, chiếm lĩnh thị phần tại thị trường nội địa không còn là chuyện mới bàn. Triết lý “Không ao nào tốt hơn ao nhà” được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây khi thị trường XK gặp khó khăn. Và điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi tại thị trường nội địa, hàng thời trang trong nước dường như đuối sức trước sự lấn sân quá mạnh của hàng từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.
 
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) bày tỏ, chúng ta không phát triển thời trang nội địa thì chắc chắn hàng của nước ngoài sẽ vào và không thể tránh khỏi việc hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường trong nước. Thời trang cho phụ nữ là một phân khúc rất tiềm năng tại thị trường VN hiện nay, các DN quan tâm có thể hướng đầu tư, xây dựng các thương hiệu thời trang dành cho nữ giới.

Hiện nay, có nhiều DN đã khẳng định và có chỗ đứng tại thị trường thời trang nội địa và từng bước hướng ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, so với con số hơn 2.000 DN dệt may trên cả nước thì số DN thành công ở thị trường nội địa là rất ít.
 
Có nên quay về phát triển tại thị trường nội địa hay không là câu hỏi khó đối với hầu hết các DN chuyên XK dệt may. Phần lớn đều bày tỏ thái độ lo ngại. Các DN cho rằng, độ rủi ro cho DN XK khi quay về thị trường nội địa là rất lớn! Bởi trước mắt, làm hàng XK tuy ăn ít nhưng chắc chắn. Làm cho thị trường nội địa nếu trúng thì được nhiều, mà trật thì sạt nghiệp! Vì để phát triển thời trang cho thị trường nội địa dường như DN phải bắt đầu với nhiều thứ và công việc hoàn toàn khác với làm XK.

Một DN dệt may chuyên XK hàng trẻ em tại TPHCM cho biết, sau khi quyết định tăng tỷ trọng sản xuất, tiêu thụ tại thị trường nội địa, phải mất 3 năm DN của bà mới tăng thêm được 15% thị phần tiêu thụ của DN tại nội địa. Hiện tại, tỷ trọng sản xuất, tiêu thụ trong nước chiếm 30%, xuất khẩu chiếm 70%.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM đánh giá, để làm được một thương hiệu thời trang, DN phải thực hiện được 4 khâu quan trọng. Đó là, thiết kế sản phẩm, marketing - quảng bá sản phẩm, tổ chức sản xuất, tìm chọn hệ thống phân phối. Tình trạng chung DN dệt may VN hiện nay, chỉ mới đảm bảo được khâu tổ chức sản xuất. Nếu DN làm hàng XK chuyển sang làm hàng thời trang cho nội địa cũng chỉ mới làm được 1 trong 4 điều quan trọng ở trên.

Ngay cả những DN làm hàng XK có năng lực về tài chính vẫn phải vướng yêu cầu về con người khi chuyển sản xuất. Vì hiện nay, các DN làm hàng XK chỉ làm việc với một vài đối tác, khách hàng. Sau khi sản xuất, đóng gói, làm thủ tục XK là xong! Nhưng ở thị trường nội địa, để đưa hàng hóa đến người tiêu dùng, DN phải xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ… Đây là vấn đề mà ngay cả những ngành hàng thực sự có thế mạnh tại thị trường nội địa vẫn “bế tắc” và gặp nhiều khó khăn.
 
Việc của... tương lai!

Cơ hội cũng như tiềm năng thấy rõ ở thị trường có sức tiêu thụ của 86 triệu dân là một động lực để các DN chọn hướng đầu tư, phát triển cho thời trang trong nước. Việc chinh phục được thị trường nội địa sẽ là điều tất yếu và cũng có những cơ sở để hy vọng và tin tưởng. Tuy nhiên, đó sẽ là câu chuyện của thì… tương lai!

NinoMax - thương hiệu thời trang Việt được giới trẻ ưa thích. Ảnh: VIỆT DŨNG

NinoMax - thương hiệu thời trang Việt được giới trẻ ưa thích.
Ảnh: VIỆT DŨNG

Vì hiện tại, chúng ta vẫn mãi loay hoay với sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu tại chỗ, phát triển ngành công nghiệp thời trang… Theo cách nói của ông bà ta là “mưa dầm thấm đất”. Và đây cũng là cơ sở để chúng ta hy vọng người VN sẽ thay đổi được “văn hóa tiêu dùng”, sẽ ưu tiên, sử dụng hàng Việt nhiều hơn trong thời gian tới, nhất là khi cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đang diễn ra rộng khắp, mạnh mẽ.
 
Hiện nay, một số DN dệt may lớn, có kim ngạch XK nằm trong top dẫn đầu của VN cũng thử sức, mở thêm chi nhánh kinh doanh, xây dựng thương hiệu thời trang cho DN mình. Tuy nhiên, một DN trong số này thú nhận, việc này cũng chỉ để cho có hương có hoa!

Trên thực tế, nói đến tên DN này thì dường như ai cũng biết, nhưng nhắc đến thương hiệu thời trang của DN dệt may này thì ít người biết được nó thuộc công ty “mẹ” nào. Do vậy, không phải “đại gia” nào cũng có thể thành công ở thị trường nội địa, dù họ đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường XK.
 
Đối với DN XK hiện nay, việc quay lại sân nhà xây dựng, phát triển thời trang cho thị trường nội địa là một “món thử” không dám liều! Các nhà kinh tế nhận định, ngay cả một DN vừa, có 20 tỷ đồng vốn trong tay, chưa chắc đã làm được ở thị trường nội địa. DN XK đã quen với việc kiếm lời, dù chỉ là vài cent/sản phẩm gia công hoặc bán.

DN dệt may VN thấy được mức lời chênh lệch khá lớn, khi các thương hiệu thời trang có tiếng thế giới đặt hàng sản xuất, mua giá FOB (mua đứt, bán đoạn) chỉ có 10-12 USD/quần jean. Nhưng giá bán ra trên thị trường lên 100-200 USD. DN VN sản xuất chỉ lời được vài cent/sản phẩm.

Trong khi đó, cấp số lời khi bán ra được tính bằng số lần chứ không còn là phần trăm! Nếu so về chất lượng với những sản phẩm cùng loại thì có những mặt hàng của VN chẳng thua kém gì.

Nhưng họ có thương hiệu và thực tế, giá bán cao đó dành một khoản lớn cho chi phí quảng bá, marketing. Và khi hàng này được nhập khẩu bán tại thị trường VN, người tiêu dùng VN lại sẵn sàng bỏ hầu bao gấp 10 lần vì cái mỹ danh hàng ngoại. DN VN nhìn thấy sự chênh lệch này nhưng đành bất lực bởi 2 chữ “thương hiệu”.

Ngay cả Trung Quốc, nơi có ngành thời trang, thiết kế, mẫu mã hơn hẳn VN vẫn chỉ dám đặt mục tiêu đến năm 2020, 20% hàng dệt may Trung Quốc XK mang thương hiệu của họ.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục