Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kênh phân phối

Sản phẩm phải chất lượng cao
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kênh phân phối

Hôm qua 2-11, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Tuổi Trẻ tổ chức hội nghị thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” với chủ đề “Hành động của doanh nghiệp và kiến nghị với Nhà nước”.

Ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa chuộng giày dép Bita’s của Việt Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa chuộng giày dép Bita’s của Việt Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sản phẩm phải chất lượng cao

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thực chất không phải là bảo hộ mậu dịch, không phải mệnh lệnh hành chính, không hành động bằng mọi giá mà chỉ hàm ý với cùng một chủng loại, chất lượng tương đương thì người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Điều này có nghĩa hàng Việt sẽ vẫn phải chịu sức ép cạnh tranh từ tất cả hàng hóa, sản phẩm khác. Người Việt dùng hàng Việt cũng đồng nghĩa doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của mình, đảm bảo ngày càng cao về chất lượng, đảm bảo môi trường, hạ giá thành, chú trọng các khâu phân phối, bảo hành, hậu mãi và đặc biệt là ổn định chất lượng là khâu then chốt.

Để cuộc vận động được tốt, doanh nghiệp và cả các hiệp hội cần liên kết, hình thành được chuỗi giá trị, liên kết được doanh nghiệp lớn nhỏ, nội địa và FDI. Về phía nhà nước, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để người Việt dùng hàng Việt, trước hết doanh nghiệp phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu. Nếu bài ngoại, không có đối tượng cạnh tranh, sẽ là thảm họa cho Việt Nam trong tương lai. Song ông Ân cũng cho rằng, bên cạnh nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, Nhà nước cần phải có hàng rào kỹ thuật cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Châu Âu, Hoa Kỳ đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắc nghiệt với hàng Việt Nam. Do đó, hàng vào Việt Nam cũng phải chịu sự kiểm tra nhất định.

Phát triển kênh phân phối

Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, một vấn đề không thể thiếu để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng chính là việc phát triển các kênh phân phối.

Theo ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng giám đốc May Việt Tiến, cuộc vận động là cơ hội tốt để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tạo sản phẩm tốt nhất. Là doanh nghiệp lớn nhất ngành dệt may, với hơn 20.000 công nhân, Việt Tiến đã có những hành động cụ thể, trong đó, cố gắng chiếm lĩnh thị trường ở phân khúc sản phẩm trung bình, đặc biệt là thấp, từng bước đưa hàng về vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, ông Kiệt cũng thừa nhận, kênh phân phối đang là trở ngại rất lớn cho không chỉ Việt Tiến mà nhiều doanh nghiệp khác do chi phí thuê mặt bằng cao.

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân phối nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống siêu thị Co.opMart Nguyễn Ngọc Hòa thừa nhận: Chúng tôi chưa chú trọng đúng mức đến thị trường nông thôn. Nhiều khi hàng kém chất lượng đã chạy về nông thôn. Chúng tôi muốn có trung tâm thương mại hiện đại, đầu tư vốn lớn và nhiều vấn đề liên quan, do vậy cần có chính sách khấu hao phù hợp; đồng thời cần có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho phát triển thị trường.

Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, trong cuộc vận động này, doanh nghiệp đóng vai trò lớn và do đó phải đi đầu. Doanh nghiệp cũng cần bỏ thói quen cũ là cộng giá thành, lợi nhuận thành giá bán. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thể chịu lỗ để giới thiệu cho người tiêu dùng. Về phát triển hệ thống phân phối, bản thân mỗi doanh nghiệp phát triển đến một mức độ nhất định thì phải xây dựng cho mình một hệ thống.

Ông Khu cũng cho rằng, cần có những chính sách ưu tiên vốn, đất đai, để phát triển hệ thống phân phối.

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục