Hạnh phúc đơn sơ nhưng cao quý

Không ngừng sáng tạo
Hạnh phúc đơn sơ nhưng cao quý

Gỉai thưởng Võ Trường Toản năm 2015

Gắn với duyên nghiệp phấn trắng bảng đen, đồng hành vui buồn cùng học trò, họ - những giáo viên bậc THPT nhận giải thưởng Võ Trường Toản 2015 - đã dành trọn tâm huyết, nâng đỡ, tiếp sức cho nhiều ước mơ, khát vọng chinh phục đỉnh cao tri thức.

Nặng nợ với duyên phận

Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề giáo và tiếp xúc với phấn trắng bảng đen từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh dạy môn Anh văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã tiếp bước ông nội, cha mẹ gắn bó với nghề “trồng người” như duyên nghiệp đã định. Được cha (giáo viên dạy đội tuyển Anh văn của quận 6) dẫn dắt, cô Hồng Hạnh không chỉ tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Anh văn mà còn trở thành cử nhân tiếng Anh xuất sắc. Trở về môi trường sư phạm đã nuôi dưỡng mình - Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cô bắt đầu tiếp sức cho dự án bồi dưỡng học sinh giỏi mà cha - người thầy đầu tiên đang làm dang dở nhưng đến lúc nghỉ hưu.

Từ kinh nghiệm quý báu này, cô đã góp phần phát triển vườn ươm học sinh giỏi ngoại ngữ của trường và quận 6. Không chỉ hiểu trò, đến với các em bằng tình thương, cô còn truyền lửa đam mê học môn ngoại ngữ “Vua”- tiếng Anh cho nhiều thế hệ học trò. Nhìn vào con số trong hơn 10 năm giảng dạy có 150 học trò đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp TP, cấp quốc gia, Olympic tiếng Anh… mới thấy tài nghệ huấn luyện, bồi dưỡng năng khiếu ngoại ngữ của cô thật đáng nể! Không chỉ là giáo viên giỏi tiêu biểu, cô Hồng Hạnh còn có nhiều tài lẻ về văn nghệ, nhiệt tình tham gia các phong trào, hội diễn của ngành giáo dục. Mới đây nhất, cô vinh dự nhận giải nhất vòng loại và dự thi vòng chung kết của chương trình “Giờ thứ 9” của HTV 9. Với học trò, cô không chỉ tạo ấn tượng bởi vẻ thanh lịch, nụ cười thân thiện, giọng nói ấm áp mà chính là sức hút từ chất lượng giảng dạy, sự chủ động đổi mới cách dạy môn tiếng Anh. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, giờ học của cô luôn sinh động nhờ lồng ghép, tích hợp kiến thức nhiều môn học khác. Nói về cô giáo dễ thương của mình, nhiều học sinh lớp chuyên Anh có chung nhận xét: “Giờ dạy của cô luôn mang đến sự thích thú từ bước khởi động đến khi kết thúc. Nó không chỉ truyền đam mê học ngoại ngữ  mà còn giúp chúng em mở mang kiến thức, khám phá nhiều điều mới lạ…”.

Còn cô Phạm Thị Bích Tuyền (Trường THPT Bùi Thị Xuân) thì luôn tạo ra những giờ dạy môn Sử hấp dẫn và có nhiều điều mới mẻ cuốn hút học trò. Theo cô, để học sinh yêu thích môn Sử, trước hết phải biết cách kích thích, khơi gợi để các em thấy đây là môn học lý thú, từ đó mới thực thụ đam mê, chứ không thể áp đặt. “Nhìn ánh mắt học trò vui thích, hứng thú với bài giảng được đầu tư, tôi cảm nhận rằng học trò đã yêu thích môn Sử và tìm thấy những điều thú vị muốn khám phá. Ngược lại, nhìn thấy học trò không tập trung, mặt mày ủ rũ hoặc cúi mặt nhìn xuống… tôi hiểu mình phải điều chỉnh cách dạy, làm mới bài giảng để thu hút các em”, cô Bích Tuyền chia sẻ kinh nghiệm đứng lớp như thế. Nhằm đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, cô không chỉ đầu tư bài giảng bằng giáo án điện tử, lồng ghép video, phim ảnh, cập nhật tư liệu mới mà còn hướng dẫn học sinh sử dụng tư liệu lịch sử trong quá trình học. Bên cạnh đó, phương pháp dạy học theo sơ đồ cũng hóa giải nỗi ngại học Sử vì phải đối mặt với những con số, sự kiện dày đặc, khó nhớ.

Cô Phạm Thị Bích Tuyền (Trường THPT Bùi Thị Xuân) và học trò của mình

Để các trò hiểu sâu kiến thức Lịch sử và thấy tầm quan trọng của môn học này, cô luôn mở rộng cách tiếp cận, dẫn dắt người học vào hành trình khám phá sự kiện, nhân vật thông qua hình ảnh, tư liệu sinh động cùng những bản nhạc cách mạng hào hùng. Được khuyến khích sưu tầm những bản nhạc nổi tiếng, gắn với từng giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc, học sinh hào hứng vào cuộc và cảm thấy bị môn học này quyến rũ từ lúc nào không hay. Từ nhịp cầu này, cô đã ươm mầm, bồi dưỡng nhiều học sinh mê Sử tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, trong đó riêng năm học 2014-2015, có 6 học sinh khối 12 đoạt giải nhất. Cứ thế, không ép buộc mà mở rộng trang sách, hâm nóng từng sự kiện lịch sử, cô Bích Tuyền đã đánh thức trái tim học sinh, gieo vào lòng các em tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc.

Không ngừng sáng tạo

“Có đôi lúc chông chênh, mệt mỏi nhưng nhận được tin nhắn của học trò thăm hỏi và lo lắng vì hôm nay thấy cô không vui, không khỏe… là tôi giật mình, tự nhủ phải vượt qua. Xung quanh tôi vẫn luôn có những ánh mắt dõi theo, sẻ chia và mong mỏi được tiếp sức, dẫn lối đến bến bờ tri thức. Đó là niềm vui mà nghề giáo mang lại. Đạm bạc, đơn sơ nhưng cao quý và không gì có thể so sánh được…”, đó là chia sẻ của cô Lê Quỳnh Liên, giáo viên môn Hóa (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Với trọng trách khai trí, khi đứng trên bục giảng người thầy phải nhóm lửa đam mê, tạo sự thích thú; còn không, các em sẽ học đối phó, thụ động. Không chỉ đầu tư trí tuệ, áp dụng phương pháp dạy tích cực, dạy theo chuyên đề, cô Liên còn mở rộng thí nghiệm, thực hành, ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, giúp trang bị kỹ năng sáng tạo cho học sinh chuyên và đội tuyển học sinh giỏi. Là tổ trưởng tổ Hóa, cô còn truyền đạt kinh nghiệm giảng dạy tích cực, sáng tạo và tham gia viết nhiều bộ tài liệu về môn Hóa học, góp phần làm giàu tủ sách cho các trường chuyên.

Từng là cựu học sinh giỏi của ngôi trường này, cô Quỳnh Liên đã chọn nghề giáo để tri ân và góp sức làm rạng rỡ truyền thống phát triển tài năng của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Thật ấn tượng với thành tích bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của cô, trong đó có 33 học sinh đoạt giải ở kỳ thi cấp quốc gia, Olympic…

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục