Đó là lời tâm sự của kỹ sư Huỳnh Tấn Tâm Linh, Trưởng phòng Thanh tra - Đảm bảo chất lượng, Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ (KTNV) Nam Sài Gòn - người thầy tận tụy, trách nhiệm với học trò, người cán bộ quản lý mẫn cán luôn xem hiệu quả công việc và sự thành đạt của học viên là đích phấn đấu suốt cuộc đời đi dạy của mình…
Từ công nhân trở thành thầy
Nét mặt đôn hậu, giọng nói nhẹ nhàng nhưng mạch lạc, kiến thức chuyên môn sâu cùng cử chỉ thân thiện, dễ gần, sẵn sàng chia sẻ là những gì mà chúng tôi cảm nhận được ngay lần đầu tiên tiếp xúc với thầy Tâm Linh khi đến tham quan Trường Trung cấp KTNV Nam Sài Gòn, nơi ông gởi trọn tâm huyết của mình suốt hơn chục năm qua.
Ôn lại chuyện thăng trầm trên bục giảng, ánh mắt người “kỹ sư tâm hồn” ánh lên niềm vui xen lẫn sự xúc động. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí động lực tại Trường Cao đẳng Giao thông III, anh sinh viên Linh tình nguyện gia nhập quân đội và được phân về công tác tại Nhà máy Z73 (Cục Kỹ thuật Quân khu 7) với nhiệm vụ bảo quản, sửa chữa ô tô.
Năm 1989, giải ngũ trở về, anh Linh tìm được việc làm tại ga ra sửa chữa ô tô thuộc Trung tâm Dạy nghề quận 1 và cũng từ lúc này anh chính thức “lên chức” thầy.
Suốt 6 - 7 năm miệt mài trong cơ xưởng với đồng lương giáo viên dạy nghề khá khiêm tốn nhưng anh giáo trẻ vẫn không một phút buông lơi công việc. Ngược lại, vào giai đoạn còn nhiều khó khăn của buổi đầu thời kỳ đất nước vừa đổi mới, mỗi học viên tốt nghiệp ra nghề và biết vận dụng tốt kiến thức đã học, làm ăn khấm khá mở tiệm sửa xe, ga ra ô tô... cứ mỗi lần có dịp quay lại thăm, cùng ông thầy trẻ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế là mỗi lần thầy Linh ngập tràn niềm vui.
“Thấy anh em học xong ra đời làm tốt thậm chỉ còn phát huy và tích lũy nhiều cái mới từ thực tế, mình mừng lắm. Đó chính là động lực để mình phấn đấu dạy tốt hơn nữa” - thầy Tâm Linh bộc bạch.
Năm 1996, thầy Linh được mời thỉnh giảng tại Trung tâm Dạy nghề quận 8 (tiền thân của Trường Trung cấp KTNV Nam Sài Gòn sau này). Đến năm 1999, thầy chính thức trở thành giáo viên của trường. Sau một năm công tác bằng tất cả nhiệt huyết, lòng yêu nghề, năm 2000, thầy Tâm Linh được ban giám hiệu tín nhiệm bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Cơ điện, rồi Trưởng khoa Cơ - Điện tử. Năm 2001, thầy Linh đảm nhận chức vụ phó phòng đào tạo.
Đam mê nhiều công trình khoa học
Năm 2005 trên cương vị Trưởng phòng đào tạo, bằng những kinh nghiệm thực tế từ quá trình đứng trên bục giảng, ngoài công việc hàng ngày, thời gian còn lại, kỹ sư Huỳnh Tấn Tâm Linh để tâm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc cải tiến chất lượng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) bằng việc tham gia xây dựng “Chương trình đào tạo TCCN tại trường”. Kết quả, chương trình đã được đưa vào giảng dạy trong ngành công nghệ ô tô, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, điều dưỡng đa khoa… và một số ngành khác thuộc chương trình đào tạo TCCN tại trường.
Năm 2008, được nhà trường cử tập huấn công tác tự đánh giá phục vụ công tác kiểm định chất lượng trường TCCN, trở về đơn vị, thầy Linh đề xuất với Ban giám hiệu thành lập Hội đồng tự đánh giá và lập kế hoạch tự đánh giá theo hướng dẫn và quy trình tự đánh giá Trường TCCN bằng tập “Báo cáo tự đánh giá (kiểm định chất lượng)” và tài liệu này sau đó đã được gởi đến Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng – Bộ Giáo dục - Đào tạo đánh giá, phê duyệt.
Là thành viên của bộ phận AQMS (dự án Việt Nam - Singapore về nâng cao năng lực cho giáo viên) thầy Tâm Linh đã hoàn thành hai chuyên đề “Phương pháp đánh giá và kỹ thuật đánh giá học sinh trong lớp học” và “Kế hoạch giảng dạy - Một số phương pháp dạy học tích cực hóa người học” được Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá cao. Song song đó, ông cũng đã hoàn thành bộ giáo trình “kỹ thuật công nghiệp” do nhà trường giao.
Năm 2009, nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Thanh tra - Đảm bảo chất lượng, kỹ sư Huỳnh Tấn Tâm Linh tiếp tục thể hiện niềm đam mê nghề của mình bằng việc bắt tay vào đăng ký thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình thanh kiểm tra phục vụ công tác kiểm định chất lượng tại trường TCCN”. Đầu năm học 2010-2011 ông đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường: “Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học thông qua phiếu phản hồi của học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường”. Với những cống hiến xuất sắc trong suốt quá trình công tác, ngoài danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp thành phố; kỹ sư Huỳnh Tấn Tâm Linh đã vinh dự được UBND TPHCM và Bộ GD-ĐT tặng bằng khen.
Nói về điều tâm đắc suốt 2/3 cuộc đời gắn bó với nghề dạy học, thầy Tâm Linh chân tình bộc bạch: “Đối với tôi điều tâm đắc nhất đó là ngày càng có nhiều học viên thành đạt. Các em học sinh, sinh viên nên biết rằng hạnh phúc không ngoảnh mặt khi ta biết đam mê và sáng tạo”.
Mai Nguyễn