Hành trình huyền thoại dời đô

Là một trong những hoạt động mở đầu 10 ngày đại lễ, hành trình “Theo dấu người xưa” kéo dài từ 30-9 đến 2-10 sẽ tái hiện hành trình dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long của 1.000 năm trước. Hành trình “Theo dấu người xưa” sẽ đưa người dân ở khắp nơi trên cả nước, nhất là người dân ở những địa phương nằm dọc theo tuyến đường thủy nối liền từ Ninh Bình về đến Hà Nội, nơi đoàn thuyền của vua Lý Công Uẩn xuôi qua.

Là một trong những hoạt động mở đầu 10 ngày đại lễ, hành trình “Theo dấu người xưa” kéo dài từ 30-9 đến 2-10 sẽ tái hiện hành trình dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long của 1.000 năm trước. Hành trình “Theo dấu người xưa” sẽ đưa người dân ở khắp nơi trên cả nước, nhất là người dân ở những địa phương nằm dọc theo tuyến đường thủy nối liền từ Ninh Bình về đến Hà Nội, nơi đoàn thuyền của vua Lý Công Uẩn xuôi qua.

Mở màn cho cuộc hành trình độc đáo này là lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân có công gây dựng đất nước tại đền vua Đinh, Lê (Ninh Bình) ngày 30-9. Tiếp đó, trên sân khấu được thiết kế độc đáo với hình ảnh 5 đầu rồng quay về 5 hướng ở chính tại khu di tích này sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật quy mô với tên gọi “Hành trình huyền thoại dời đô”. Trong thời lượng 60 phút, chương trình sẽ tái hiện lại bối cảnh lên ngôi của vua Lý Công Uẩn cùng bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của vị hoàng đế có công khai sáng ra triều Lý khi ông quyết định dời kinh đô từ vùng núi non hiểm trở ra vùng đất đai bằng phẳng. Khép lại đêm nghệ thuật đặc sắc này sẽ là màn bắn pháo hoa theo hình Rồng thời Lý.

Sáng 1-10, từ lúc 5 giờ 30 tại đây sẽ diễn ra lễ dâng hương, tế lễ đăng đàn, tuyên chiếu dời đô và lễ rước tiễn vua từ đền Đinh, Lê đến bến Hoàng Long. Cùng đi với chiếc thuyền Rồng chở vua Lý Công Uẩn và các quan tướng triều thần trong cuộc hành trình về đất Đại La lúc này còn có khoảng 10 chiếc tàu lớn bé được thiết kế theo dáng thuyền xưa với mây phủ bao quanh chở các bộ phận khác nhau của đoàn và khách du lịch. NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, tổng đạo diễn chương trình, cho biết trên những chiếc thuyền này sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa xuyên suốt như: văn hóa ẩm thực, múa cung đình và ca nhạc dân tộc (chèo, chầu văn, ca trù, dân ca, hát dô...), chiếu phim tài liệu, phóng sự về Khu di tích Hoa Lư, Hà Nội... Bất kỳ khách du lịch nào có nguyện vọng tham gia cuộc hành trình ý nghĩa trên cũng sẽ được tư vấn ăn vận trang phục sao cho giống thời xưa.

Theo dự kiến, chiều 1-10, đoàn thuyền sẽ dừng chân tại bến cầu Yên Lệnh (làng Xích Đằng, Hưng Yên) và lên bờ trong sự nghinh đón của hàng trăm người trong trang phục truyền thống cùng khách xem hội thập phương. Ngay sau đó, đoàn sẽ tham gia đêm lễ hội “Hưng Yên cùng dòng chảy ngàn năm” tại quảng trường trung tâm thành phố Hưng Yên với nhiều màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét văn hóa Phố Hiến…

Ngày 2-10, đoàn “Thiên đô” tiếp tục rời bến tiến thẳng vào thành Đại La. Rồng vàng bay lên khi thuyền ngự cập bến Đại La là điềm ứng báo cho công cuộc phát triển của quốc gia - kinh đô Thăng Long ngày đó là thủ đô Hà Nội 1.000 năm hôm nay. Tại đây, nghi lễ phóng sinh chim cũng sẽ được thực hiện song hành cùng dàn trống diễn tấu bản “Trống hội Thăng Long” và màn múa “Tứ linh”…

Theo NSƯT Thúy Mùi, mặc dù tổ chức theo mô hình chương trình lễ hội song chuỗi hoạt động đặc sắc trên sẽ không chú trọng đến việc sân khấu hóa mà ngược lại, mọi sự kiện dù là nhỏ nhất cũng có sự tham gia của người dân. Đặc biệt, trong chuyến hành trình ý nghĩa này, đoàn cũng sẽ dừng lại trên sông để biểu diễn cho người dân xem tại 3 địa điểm: ngã ba Mỏ Neo - đền thờ Triệu Việt Vương (Ninh Bình), bến Đò Quan (Nam Định) và đền Ma Lương (Hưng Yên). Sau khi đặt chân đến thành Đại La, đoàn sẽ đến dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long.

Nhà hát chèo Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội, Sở VH-TT-DL Hà Nội giao trực tiếp thực hiện toàn bộ lễ hội hành trình “Theo dấu người xưa” với sự hỗ trợ, tham gia biểu diễn của Nhà hát chèo Ninh Bình, Nhà hát chèo Hưng Yên và một số đoàn nghệ thuật khác. NSƯT Thúy Mùi - tổng đạo diễn chương trình cho biết, sẽ có hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên và hàng ngàn người dân tham gia trong “Theo dấu người xưa”.

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội

Chiều 27-9, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức họp báo về triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội (gọi tắt là Triển lãm Việt Nam 2010) sẽ được tổ chức từ 1 đến 6-10 tới tại Hà Nội.

Triển lãm sẽ tạo ra bức tranh tổng thể về gương mặt đất nước, với việc giới thiệu, quảng bá những hình ảnh của Việt Nam đổi mới, phát triển và hội nhập với những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đầu tư; ngoại giao và hợp tác quốc tế; văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng, giao thông, vận tải… Đồng thời, triển lãm cũng đưa tới cho người xem hình ảnh về Hà Nội thủ đô ngàn năm văn hiến với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời và là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn, thành phố Vì hòa bình hội nhập và phát triển, xứng với vai trò trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của đất nước.

Thu Hà

Tin cùng chuyên mục