
"Nhục lắm, ở đâu bán sách còn được chứ ở đây toàn là dân nghiên cứu coi sách như máu mà để xảy ra thế này thì không biết giấu mặt vào đâu” - một cán bộ Thư viện Khoa học xã hội TPHCM than thở. Khác với không khí che giấu ở một số cơ quan khi xảy ra sự cố, nhiều cán bộ tại đây đã nhiệt tình hướng dẫn, tường thuật lại chi tiết việc mất sách, nhiệt tình nhưng không giấu được sự chua xót.

Nghiên cứu tài liệu tại một thư viện.
Mà không xót sao được khi mất một lúc hơn 25.000 quyển sách nghiên cứu tiếng Nga được in từ thời Liên Xô (cũ) trong đó có những bộ sách rất quý như bộ Bách khoa toàn thư… “Nhiều cuốn bây giờ có muốn tìm lại cũng không đâu có nữa” - một cán bộ khác của viện than.
Ở đây nổi lên vấn đề buông lỏng quản lý của lãnh đạo Viện Khoa học xã hội tại TPHCM (đơn vị chủ quản thư viện) bởi nếu không có việc trụ sở 34 Lý Tự Trọng được xây dựng lại cần sách để phục vụ thì sự kiện kho sách 270 (số cũ là 240) Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận đã trống rỗng từ bao giờ có lẽ vẫn chưa được phát hiện.
Không những thế, một cán bộ công đoàn Viện KHXH còn cho biết, Bùi Khắc Đạt, kẻ đã thực hiện vụ bán sách quý tại cơ sở của viện số 386/18 Lê Văn Sỹ, quận 3 đã từng có thời gian dài làm bảo vệ kho sách tại đây. Thế nhưng, sau vụ Đạt bị bắt (2003) Viện KHXH đã không tiến hành kiểm tra lại kho Đạt đã từng làm việc, để đến khi mở kho thì toàn bộ sách đã biến mất, trên các kệ gỗ chỉ còn những lớp bụi và mạng nhện bám dày trông như mất đã từ lâu.
Theo một nhà buôn sách cũ thì sách tiếng Nga không phải là một mặt hàng được ưa chuộng trong các nhà sách cũ do ít người đọc nhưng lại rất hấp dẫn giới làm giấy vì thường được in trên các loại giấy tốt nhất là với sách nghiên cứu. Nhà buôn này còn cho biết thêm: “Nếu sách tiếng Nga mà mất đã lâu thì anh cứ yên tâm là đã tái chế xong rồi!”.
Nhiều cán bộ của viện đều có chung nhận định rằng vụ mất sách được phát hiện lần này thậm chí còn xảy ra trước vụ mất sách lần trước tại cơ sở 386/18 Lê Văn Sỹ, quận 3. Việc để một số lượng lớn tại một trong những thư viện lớn sách nhất ở TPHCM bị mang đi bán giấy vụn là một hậu quả quá cay đắng của việc quản lý quan liêu, thiếu kiểm tra.
TÂN TƯỜNG