Hãy dạy trẻ ngôn ngữ trong trẻo

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa (SGK) mới. Đây là năm học đầu tiên thực hiện nhiều bộ SGK và đã có 5 bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt, triển khai. 

Trong đó 4 bộ: Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam biên soạn; bộ Cánh Diều do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TPHCM biên soạn.

Sau 1 tháng đưa SGK mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt nặng và khó hơn so với chương trình cũ, khi trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, khiến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, áp lực. Cùng với đó là những phàn nàn sách quá nhiều chữ, dùng nhiều từ địa phương cùng các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1. 

Sau đó, bộ sách Cánh Diều trở thành tâm điểm, gây tranh cãi trong dư luận xã hội, khi nhiều ý kiến cho rằng bộ sách này sử dụng nhiều truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp; câu chuyện thiếu tính giáo dục, dạy thói xấu “khôn lỏi” cho học sinh. Bộ sách cũng sử dụng nhiều từ ngữ mà dư luận cho là khó hiểu, như: “nhá”, “thở hí hóp”, “gà nhí”, “gà nhép”… Tối 11-10, Bộ GD-ĐT  đã yêu cầu Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, báo cáo về nội dung SGK môn Tiếng Việt lớp 1. 

Những điểm mới thường bị đưa ra soi xét, bình phẩm, thậm chí chỉ trích một cách hơi khắt khe, nhưng khi cả dư luận xã hội đều lên tiếng đánh giá thì đòi hỏi cơ quan liên quan cần nghiêm túc nhìn nhận lại. Trong đó, điều cần lắng nghe là: Liệu có cần thiết đưa vào SGK Tiếng Việt 1 những đoạn ngữ trúc trắc, thậm chí thiếu chuẩn xác hay không?

Tại sao khi tiếp cận những cuốn sách mới, bao nhiêu người lại thở dài tiếc nuối những SGK xưa, với bao bài học “vỡ lòng” trong trẻo, thuần khiết về tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, tình mẹ cha, thầy trò? Những bài học trong SGK đó đi vào lòng người, không chỉ giúp trẻ biết đọc nhanh mà còn nuôi dưỡng cảm xúc. Nên chăng, việc biên soạn SGK Tiếng Việt lớp 1 chỉ nên chọn những ngữ liệu giản dị, dễ hiểu, giàu cảm xúc, gần gũi với trẻ thơ, không cần cao siêu hoặc dùng những câu chuyện phỏng theo tác giả nước ngoài để dạy trẻ nhận biết những mặt trái của xã hội. Các em còn quá nhỏ để học những câu chuyện trúc trắc, khó hiểu đó. Để dạy các em sớm dần hình thành những thói quen tốt, xây nền cho một nhân cách đẹp, hoàn toàn có thể đưa những câu chuyện gần gũi, đơn giản đến từ gia đình, lớp học, hàng xóm… của mình. Một đứa trẻ 6 tuổi sẽ hứng khởi khi được nghe, đọc một câu chuyện có đầu có đuôi, có vài tình tiết dẫn dắt, khác lạ, hơn là những mẩu ngôn từ bị cắt đẽo cộc lốc, cụt lủn, nhát gừng được gọi là “phỏng theo” cho phù hợp với người Việt. SGK lớp 1 hãy dạy cho các em những gì trong trẻo, để chúng có một tâm hồn thuần khiết trước khi trưởng thành. 

Rất nhiều người đã từng lo lắng rằng Việt Nam chưa có triết lý giáo dục, vì thế, khi viết SGK mà không xác định đúng đối tượng, “muốn” nhiều quá, tích hợp nhiều thứ thì chắc chắn không thể mang lại hiệu quả. Cả 5 bộ SGK theo chương trình mới đã qua dạy thực nghiệm, trình hồ sơ thực nghiệm ra Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK và được thẩm định trước khi Bộ GD-ĐT thông qua. Vậy tại sao khi triển khai lại vấp phải sự phản ứng, bị “nhặt sạn” nhiều như vậy, là điều cần được làm rõ. 

Trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về vấn đề này vào chiều 12-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các ý kiến về SGK lớp 1 mới, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ GD-ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Nếu có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục. Phó Thủ tướng cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới. Nhất là trong thời đại 4.0, nên chăng chúng ta thay đổi cách làm đối với bản thảo một cuốn SGK: khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia thì đưa lên mạng và mời giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý, “nhặt sạn” ngay từ đầu.
 
Rõ ràng, nếu đổi mới mà bị phản ứng dữ dội thì cơ quan quản lý cũng như cơ quan chuyên môn cần sớm đánh giá kết quả triển khai, tiếp thu ý kiến của giáo viên, xã hội để điều chỉnh bộ sách ngày càng phù hợp hơn. Đừng để xã hội hoài nghi và thất vọng, thậm chí đặt vấn đề về lợi ích nhóm trong việc biên soạn SGK. 

Tin cùng chuyên mục