Hãy để môn Sử chạm vào trái tim người học

Việc định đoạt số phận môn Lịch sử đứng độc lập hay tích hợp với nhiều môn học khác đang được bàn luận sôi động, gay gắt giữa các nhà giáo dục, nhà sử học và Bộ GD-ĐT.

Việc định đoạt số phận môn Lịch sử đứng độc lập hay tích hợp với nhiều môn học khác đang được bàn luận sôi động, gay gắt giữa các nhà giáo dục, nhà sử học và Bộ GD-ĐT.

Không những thế, nó cũng làm nóng diễn đàn của kỳ họp Quốc hội mới đây, khi các đại biểu truy vấn tư lệnh trưởng ngành GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, về việc môn Lịch sử liệu có bị “khai tử” hay không? Đúng vậy, câu hỏi bức xúc về vị thế, tầm quan trọng của môn Lịch sử đang khiến tất cả chúng ta - những người đang mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, tự hào về truyền thống 4.000 năm dựng nước, giữ nước - đều trăn trở, nặng trĩu nỗi niềm.

Lịch sử là lịch sử và nó luôn hòa quyện vào tâm thức, máu thịt của mỗi người dân yêu nước. Tự hào về ký ức - những trang sử hào hùng của cha ông, chúng ta càng nung nấu tinh thần yêu nước, giữ gìn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Khỏi phải bàn cãi về sứ mệnh thiêng liêng, trách nhiệm cao cả này và tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Nhưng câu chuyện dài nói mãi và bức xúc triền miên chưa có hồi kết chính là làm thế nào để học sinh, sinh viên thực sự yêu thích học Sử và nắm được hồn cốt, tinh hoa của môn học này? Những lời cảnh báo, những hiện tượng đau lòng khi nhìn thấy học sinh quay lưng với môn Sử đã được đề cập rất nhiều lần. Là giáo viên dạy môn Lịch sử, chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT hãy lắng nghe giáo viên, lắng nghe ý kiến của học sinh xem họ muốn gì, cần gì để đổi mới cách dạy - cách học và tiếp cận với môn Lịch sử một cách có hệ thống. Nhiều học sinh đang quay lưng với môn học quan trọng này bởi sự nhàm chán về cách đặt vấn đề, tư duy áp đặt, nặng sự kiện lẫn con số… Đó là chưa kể đội ngũ giáo viên dạy Sử có bao nhiêu người có năng lực, tâm huyết, biết cách khơi gợi đam mê, hóa giải những kiến thức nặng nề, xơ cứng thành hấp dẫn, dễ hiểu? Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi vào nghề miễn cưỡng, bị buộc “ép duyên” với môn Sử vì điểm thi thấp, đã giống như “thợ dạy” - truyền đạt bài giảng một cách vô hồn. Chính họ đã gián tiếp làm học trò tăng thêm nỗi chán ngán học Sử, quay lưng với Sử. Như thế, ngoài đổi mới chương trình sách giáo khoa môn Lịch sử có hệ thống, gọn nhẹ, dễ hiểu, dễ tiếp thu, thì cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên yêu nghề, giỏi chuyên môn, biết cách sáng tạo, khơi gợi đam mê, dẫn dắt học sinh vào hành trình khám phá môn học. Môn Sử có được tôn vinh, được xếp vào vị trí cao nhất trong lòng học sinh hay không chính là bước đột phá đổi mới nội dung chương trình, cách dạy, cách học và cách thi cử để đánh giá đúng năng lực, tư duy người học. Đừng mang tư duy áp đặt và dùng mệnh lệnh bắt buộc học sinh phải học, phải thi. Chỉ cần đổi mới đúng hướng, đúng nguyện vọng và từng chủ đề chạm vào trái tim người học bằng sự thích thú, hấp dẫn; còn giáo viên phải đủ năng lực, kỹ năng, được trao quyền tự chủ dạy học sáng tạo thì môn Sử sẽ được yêu thích. Đây là những điều tâm huyết xin gởi đến Bộ GD-ĐT và các nhà soạn thảo đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.

HOÀNG THANH

Tin cùng chuyên mục