Hiện nay, nhiều người tốt nghiệp đại học, thậm chí có cả bằng thạc sĩ cũng khó xin việc làm. Có nhiều nguyên nhân đã được phân tích và tranh luận: số trường đại học ngoài công lập nở rộ kéo theo tình trạng đào tạo đại trà, thừa thầy thiếu thợ; suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tuyển dụng nhân sự giảm mạnh; các nguồn sử dụng không liên kết với nguồn đào tạo lao động… Theo tôi, còn có một nguyên nhân khác rất quan trọng là những tân thạc sĩ, cử nhân này không đủ năng lực, trình độ và kỹ năng sống để bước chân vào thị trường lao động nghiệt ngã.
Không nên đổ thừa rằng do kinh tế suy thoái nên không có cửa cho các bạn trẻ mới ra trường. Thực tế trong khi có những cử nhân, thạc sĩ đang phải thất nghiệp, vẫn đang có không ít bạn trẻ được nhiều công ty nước ngoài chào mời tuyển dụng, nên họ dễ dàng nhảy việc sang công ty khác để được trả lương cao hơn. Nhiều công ty vẫn săn đón tuyển dụng người tài, ràng buộc họ cam kết làm việc một thời gian nhất định, khi muốn nghỉ việc phải báo trước mấy tháng, trả lương cao, thậm chí đưa cả ô tô đến nhà trọ để đón họ đến công ty. Dĩ nhiên, những trí thức này phải thực sự có tài năng.
Qua tiếp xúc những người đang được các công ty nước ngoài săn đón tuyển dụng, tôi thấy trình độ của họ chênh lệch khá xa so với những người đang miệt mài tìm việc mà vẫn thất nghiệp. Tôi biết có trí thức trẻ vừa ra trường đã có ngay một công ty nước ngoài tuyển dụng và cử đi nước ngoài tu nghiệp vài ba tháng về ngồi ngay vị trí quản lý. Họ thông thạo tiếng Anh đến mức nếu không nhìn mặt, chỉ nghe nói tiếng Anh có thể lầm đó là người bản ngữ. Đó không phải là con nhà giàu, đầy đủ điều kiện ăn học, mà chỉ xuất thân từ một gia đình bình thường.
Trong khi thị trường lao động cần người có thực tài, vẫn còn nhiều bạn trẻ học đại học chỉ để có cái bằng, vào giảng đường nghe lơ mơ, học làng nhàng, quay cóp để đối phó với các kỳ thi. Quan sát cảnh nhộn nhịp ở các tiệm photocopy vào mùa thi, ai cũng phải thở dài ngao ngán. Một lần, gặp một sinh viên đến photocopy thu nhỏ bài để quay cóp, tôi hỏi: “Học hành như vậy thì em có tiếp thu được kiến thức gì không?”. Sinh viên này đáp: “Tại bài vở nhiều quá, học hết sao nổi”. Những sinh viên như trên không thể làm nổi một việc làm xứng đáng. Họ bị đào thải do sự sàng lọc công bằng của xã hội.
Có lần, gặp một nhân viên tuyển dụng người Mỹ sang Singapore tìm người phụ việc, tôi hỏi sao không tìm ở Việt Nam, hàng năm cử nhân kinh tế tốt nghiệp rất nhiều. Thật buồn khi nghe ông ta trả lời: “Nhiều trí thức Việt Nam không có kỹ năng làm việc. Tôi đã làm việc chung và thấy cái tôi của họ quá lớn, lúc nào cũng cho mình đúng, nhưng không có khả năng phản biện. Để bảo vệ ý kiến của mình, thay vì dùng lời lẽ thuyết phục, họ gây nhau, tranh chấp nhau, nói xấu nhau. Mà làm một mình thì họ không thể”. Ông ta dừng câu nói với cái lắc đầu và đưa hai tay lên trời.
Tôi không có ý nói tất cả các trí thức trẻ đang thất nghiệp là học tệ hay thiếu năng lực, tuy nhiên, các bạn hãy nhìn lại mình, hãy xem mình thực sự có đủ kỹ năng, bản lĩnh và trình độ để đáp ứng nhu cầu công việc hay chưa. Ngay các sinh viên đang còn ở giảng đường đại học, hãy nỗ lực học tập vươn lên, nếu muốn có tương lai tốt đẹp.
NGUYỄN NGỌC HÀ
(quận 3, TPHCM)