Hè là khoảng thời gian sinh viên (SV) nghỉ ngơi bên gia đình, tham gia những chuyến du lịch hay thỏa sức hoạt động tình nguyện. Với SV nghèo, đây là khoảng thời gian dốc sức kiếm tiền trang trải cho năm học mới.
Chạy sô kiếm tiền
Trần Ngọc Anh, SV năm 2, Khoa Kế toán, Trường Cao đẳng Hải Quan, TPHCM đã bắt tay làm công việc mới từ giữa tháng 5. Với tính hoạt bát, Ngọc Anh nhận công việc tiếp thị sản phẩm cho hãng Monte tại các siêu thị vào ban ngày. Buổi tối, Ngọc Anh phục vụ tại một quán trà sữa gần nhà trọ. Gia đình khó khăn nên hơn 2 tháng hè là thời gian để cô kiếm tiền trang trải cho năm học mới. “Từ khi rời nhà lên TP học, chỉ tháng đầu tiên tôi xin tiền của gia đình, từ tháng thứ 2, tôi đã tự đi kiếm việc làm thêm. Hè không phải lo học nên thoải mái “chạy sô”, với tôi 2 tháng hè rất quý”, Ngọc Anh chia sẻ.
Cũng tự lo tiền ăn tiền học nên Lê Ngọc Minh, SV năm 1 ngành Cơ khí, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, TPHCM vui mừng vì có nhiều thời gian để đi làm. Hơn 2 tháng hè, Minh nhận làm toàn thời gian cho xưởng cửa sắt với thù lao 150.000 đồng/ngày bao ăn ở. Minh cho biết nếu chịu khó làm việc, không đi chơi thì đầu năm học cũng đủ tiền đóng học phí và đóng được 2 tháng tiền nhà trọ, còn lại sẽ mua một chiếc xe đạp để đi. Hơn nữa, thời gian thực hành ở trường rất hạn chế nên đây là dịp để rèn luyện tay nghề.
Gặp bẫy lừa
Không được suôn sẻ như Ngọc Anh và Minh, khoảng đầu tháng 5, đọc được thông tin trên một tờ rơi tuyển gấp 10 nhân viên tiếp thị mỹ phẩm ở các siêu thị, ưu tiên SV làm thêm dịp hè nên Đặng Thị Linh, SV năm 1 Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TPHCM đã tìm đến một địa chỉ trên đường Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh để được phỏng vấn. Một nhân viên ở đây hỏi Linh qua loa vài câu và bảo đạt tiêu chuẩn, yêu cầu đóng 250.000 đồng tiền cọc đồng phục, 50.000 đồng tiền môi giới và nói khi kết thúc dự án sẽ trả lại tiền cọc đồng phục. Tin tưởng nên Linh đóng tiền, cũng không đòi biên nhận. Chị nhân viên này hứa sẽ gọi điện thông báo ngày đi đào tạo nhưng hai tuần sau, Linh không thấy cuộc gọi nào, gọi điện thoại trên tờ rơi thì không ai bắt máy. Linh tới địa chỉ hôm trước tìm thì nơi đây đã trở thành quán ăn. Nhiều SV cũng ngậm đắng như Linh.
Bên cạnh những SV may mắn kiếm được việc phù hợp, còn rất nhiều SV bị mắc lừa bởi các chiêu tuyển dụng qua tờ rơi, qua internet, đặc biệt là các SV năm 1, bởi SV năm cuối đã quen tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP và các trường để tìm thông tin tuyển dụng. Tuy nhiên, các trường khá xa trung tâm nên việc đi lại theo dõi thông tin việc làm đối với SV năm 1 khá khó khăn. Nhiều bạn trẻ cho rằng, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên nên phân khu vực các đơn vị cần tuyển dụng rồi chuyển về các trường trong khu vực tương ứng để SV tiện theo dõi có lẽ sẽ rất hiệu quả và hạn chế tình trạng quá tải tại trung tâm vào dịp đầu hè.
Thông tin tuyển dụng tràn lan khắp nơi từ tờ rơi, báo chí, internet, tin nhắn… trong đó phần nhiều là của các công ty “ma” nên người tìm việc rất dễ bị lừa. Để tạo điều kiện cho SV có việc làm thêm trong hè, nhiều SV mong muốn nhà trường có buổi trao đổi với SV về các hình thức tìm việc làm và cảnh báo các chiêu lừa gạt của “cò” việc làm. Hiện nay, một số khoa của nhiều trường đại học đã chủ động liên hệ với các đơn vị tuyển dụng giúp SV có việc làm phù hợp với thời gian biểu và sát với chuyên ngành đã học, nhờ đó SV có thể được thực hành kỹ năng chuyên môn tại môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Thu Hường