Đất ven biển là tài nguyên chung, thiên nhiên ven biển là của mọi người. Nhưng có một thực trạng đáng buồn lâu nay là những khu du lịch, resort như “nấm sau mưa” đã độc chiếm biển. Trong khi đó, nhiều nơi do sai lầm trong quy hoạch đã làm cho bãi tắm được mệnh danh là “nữ hoàng của các bãi tắm” bị biến dạng, hoang phế.
Mất dần văn hóa làng biển
Chạy dọc theo tuyến đường ven biển từ Đà Nẵng đến Hội An (Quảng Nam), hỏi bất cứ người dân nào điều gì làm thay đổi cuộc sống của họ thì hầu hết cho rằng: Các khu resort, khu du lịch. Những làng chài ven biển có lịch sử hàng trăm năm nay đã biến mất. Ngư dân tại nhiều làng chài như Thọ Quang, Non Nước (Đà Nẵng) hay Điện Dương (Quảng Nam) phải bỏ nghề.
Ông Trần Công Hiếu, người dân ở Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam), cho rằng: Resort bít hết đường xuống biển thì sao không bỏ nghề. Gia đình tôi có đến 5 đời bám biển, nhưng đến đời tôi đành phải gác mái chèo, phải chạy xe ôm, mấy đứa con kéo nhau vào Sài Gòn làm công nhân. Cả cái xã Điện Dương này ngày trước có đến hơn 90% làm nghề biển, giờ chỉ còn chưa tới 1%. Nhưng 1% này cũng gặp không ít phiền toái bởi muốn ra biển đánh cá phải đi vòng qua các khu resort xa đến vài kilômét. Khổ nhất là đến mùa mưa bão, tàu thuyền không có nơi để kéo lên nên thường bị sóng biển đánh tan tành, mất trắng. Thế là tự bỏ nghề. Văn hóa làng biển nay cũng biến thành văn hóa… resort”.
Vẫn là bãi biển quê hương, nhưng dân ven biển ở miền Trung đâu còn được tự do, thoải mái tắm biển, dạo chơi, vì bãi biển đã là sở hữu của nhà đầu tư kinh doanh du lịch từ lâu. Làng ngư dân nhiều nơi đang bị thu hẹp, di dời để lấy đất cho các dự án xây dựng khu du lịch, nghỉ mát, người dân như bị vây bọc, che chắn, nhìn ra phía biển chỉ thấy kín mít nhà bê tông, khách sạn, biệt thự, rào chắn, cổng ngăn. Đi ra, đi vào là những khách du lịch nhiều tiền. Thể hiện rõ nhất như người dân ở khu vực bãi biển Non Nước (Đà Nẵng), nếu trước đây, chỉ cần vài bước chân là nhảy ào xuống biển, tận hưởng dòng nước mát lạnh trong những ngày hè nóng bức.
Còn bây giờ, muốn tắm biển, người dân nơi này phải ra tận bãi biển Mỹ Khê, T20 cách xa 4 - 5km. Ông Lê Pháp, nhà ở làng đá Non Nước, buồn rầu: “Mang tiếng dân làng biển nhưng đã gần chục năm nay tôi có biết nước biển còn mặn hay không đâu (!?). Mấy đứa trẻ có xe chạy ra biển Mỹ Khê tắm, tôi già rồi lại không biết chạy xe nên có thèm ngâm mình dưới biển cũng đành chịu”.
Trong khi đó, Thừa Thiên - Huế được xem là địa phương có rất nhiều bãi biển đẹp và cảnh quan thiên nhiên độc đáo đã và đang được đầu tư xây dựng, nhưng đa số bãi tắm truyền thống chỉ đầu tư ở quy mô nhỏ, còn nhiều bất cập, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này, cho biết: “Các dự án nối liền nhau, ngăn cách giữa người dân và bãi biển, ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng biển. Bãi tắm trên địa bàn các huyện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên công tác quản lý thiếu đồng bộ, dẫn đến quỹ đất ven biển chưa được khai thác hiệu quả; nhất là trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Từ đó, các bãi tắm thiếu an toàn, gây nguy hiểm cũng như những thiệt hại không đáng có cho người dân và du khách”.
Quy hoạch thiếu tầm nhìn
Bãi tắm Cửa Tùng dưới con mắt của người Pháp khi họ đặt chân đến Việt Nam là “nữ hoàng của các bãi biển”. A.Laborde, một người Pháp am tường về xứ Quảng Trị, từng mô tả: “Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt bởi một cao nguyên rất xanh tươi ở độ cao 20m dựng xiên thành bờ dốc trên một bãi biển có độ dốc thoai thoải và nhẹ nhàng. Từ trên đỉnh dốc người ta chiêm ngưỡng những màu xanh luôn biến đổi của biển và trời…”. Ngày nay đến bãi biển Cửa Tùng, du khách khó lòng nhận ra được những nét đẹp độc đáo từng tồn tại nơi đây. Cửa Tùng bây giờ trở nên tan hoang, nham nhở đất, đá, rác thải; lều quán lụp xụp…
Tình trạng trên xuất phát khi khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá Cửa Tùng được quy hoạch, xây dựng tại đây. Hoàn thành vào cuối năm 2005, khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá đã làm thay đổi đột ngột mối liên kết tự nhiên, gây ra những biến đổi bất lợi. Bởi, khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá Cửa Tùng có diện tích gần 100.000m² nằm sát phía bên phải của bãi tắm. Trước khi xây dựng khu này, nơi đây vốn là cái vũng khổng lồ hình vòng cung được che chắn sóng biển bằng cồn cát lớn nằm án ngữ phía trước mặt. Nhưng khi triển khai xây dựng KNĐTB-HCNC, đơn vị thi công đã huy động máy móc “ngoạm” toàn bộ 189.289m³ cát từ cồn cát, san lấp cái vũng hình vòng cung rồi... bê tông hóa.
Trao đổi thẳng thắn với chúng tôi về những vấn đề liên quan đến khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá Cửa Tùng, ông Hoàng Đình Liên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, thừa nhận, bãi tắm Cửa Tùng bị xâm thực và sạt lở mạnh từ khi khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá Cửa Tùng đi vào hoạt động. Còn về nguyên nhân, các cơ quan chức năng đang theo dõi, nghiên cứu để có kết luận khoa học trình UBND tỉnh. Theo một số nhà chuyên môn, bãi tắm Cửa Tùng bị sạt lở có thể do tác động từ hệ thống bờ kè bảo vệ cảng cá, luồng lạch dẫn tàu từ biển vào cảng cũng như hệ thống dầm cột của cầu đường bộ nối xã Vĩnh Quang với xã Trung Giang, qua sông Bến Hải gần biển Cửa Tùng làm thay đổi dòng chảy.
Và như vậy, chỉ vì quy hoạch, xây dựng sai địa điểm; sự tắc trách của chính quyền địa phương đã đẩy “Nữ hoàng các bãi biển” trở nên xấu xí, lở loét một cách thảm hại. Để rồi những thế hệ mai sau phải mất đi món quà quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Trị. Biết trách ai?
| |
NGUYỄN HÙNG – VĂN THẮNG
Hệ lụy khai thác du lịch ven biển miền trung |
>> Bài 1: Tan hoang sinh thái biển |