Ở nước ta, những năm gần đây liên tục báo động về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Mức mất cân bằng trẻ trai nhiều hơn trẻ gái tăng liên tục từ năm 2006 đến nay, từ mức 109 trẻ trai/100 trẻ gái, nay đã đến mức 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Đó là một hiện tượng xã hội gây nhiều hệ lụy trong tương lai.
Nam sẽ nhiều hơn nữ 2,3 - 4,3 triệu người
Mới đây, tại hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh, Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo: Nếu không được can thiệp tích cực, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tiếp tục tăng và có thể lên đến ngưỡng 125 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2020 và duy trì cho đến 2050.
Với tốc độ như vậy, dự báo đến năm 2049 số lượng nam sẽ nhiều hơn nữ từ 2,3 đến 4,3 triệu người. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây tai họa cho sự phát triển bền vững của dân tộc, dẫn tới những thay đổi trong hôn nhân và gia đình. Một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều nam giới không có khả năng kết hôn.
Việc mất cân bằng trẻ trai nhiều hơn trẻ gái khi sinh không làm cải thiện được vị thế của người phụ nữ, thậm chí còn làm gia tăng bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ sẽ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Tình trạng bạo hành giới, buôn bán phụ nữ vào các cơ sở mại dâm có thể sẽ gia tăng.
Nhìn vào tính chất của mất cân bằng giới tính hiện nay, có thể thấy sự mất cân bằng đó hoàn toàn không ngẫu nhiên. Mức chênh lệch trẻ trai nhiều hơn trẻ gái tăng cao ở nhóm gia đình có kinh tế khá giả, phụ nữ có học vấn cao.
Cụ thể, ở nhóm dân số nghèo nhất, tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái là 105/100; trong khi ở nhóm dân số giàu nhất, tỷ lệ này là 112/100, thậm chí trong nhóm giàu nhất, ở lần sinh thứ ba tỷ lệ này lên đến 133/100. Ở nhóm bà mẹ không biết chữ, khi sinh con, tỷ lệ chênh lệch trẻ trai/trẻ gái là 107/100, trong khi ở nhóm bà mẹ có trình độ từ cao đẳng trở lên, khi sinh con, tỷ lệ này lên đến 114/100.
Như vậy, lẽ ra người có trình độ học vấn cao phải ý thức hơn về việc tránh gây mất cân bằng giới tính thì ngược lại, nhiều người trình độ cao, có điều kiện kinh tế thuận lợi, đã tìm nhiều cách để sinh con theo ý muốn (thực chất phần nhiều chỉ muốn sinh con trai). Họ không ngần ngại áp dụng các biện pháp can thiệp bằng khoa học, thậm chí loại bỏ thai nhi gái, nên số bé trai sinh ra ở các gia đình này thường nhiều hơn hẳn mức bình quân chung.
Thách thức lớn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính. Từ ảnh hưởng của quan niệm lạc hậu về trọng nam khinh nữ, dẫn đến việc cố ý làm lệch cân bằng tự nhiên ở những người có hiểu biết, có ý thức về tác hại của mất cân bằng giới tính. Đặc biệt, với những người sinh con thứ ba (vi phạm chính sách về dân số), mức độ cố ý càng cao hơn. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động về chính sách dân số thường ít chú ý những đối tượng dân cư này, mà chủ yếu tác động vào các gia đình nông dân, người lao động nghèo…
Có lập luận cho rằng với các gia đình có trình độ học thức cao, có điều kiện kinh tế tốt cũng không nhất thiết phải hạn chế sinh nhiều con. Nói vậy là ngụy biện, bởi dù đối tượng nào vi phạm thì vi phạm đó cũng làm ảnh hưởng đến các quy hoạch, kế hoạch chung của Nhà nước đối với toàn xã hội, nhất là về giáo dục, y tế…
Như vậy, cần xem xét lại công tác truyền thông kế hoạch hóa gia đình. Đáng chú ý là nên xem xét các đối tượng phải làm gương trong việc thực hiện chính sách dân số, như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong thực tế đã làm gương đến đâu và tình hình mất cân đối giới tính ở đối tượng này như thế nào.
Đã xem mất cân bằng giới tính là một thách thức lớn đối với dân số nước ta, nhất là trong mấy chục năm tới thì ngay từ bây giờ, các ngành, các cấp phải tích cực, chủ động có những biện pháp ngăn ngừa, tác động giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Phải chú trọng tác động nhằm thay đổi nhận thức của người dân để mọi người tự ý thức về trách nhiệm của mình trong việc khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính.
TRÚC GIANG