Hệ thống bán lẻ xăng dầu: Khó chồng khó

Sau khi tình trạng gián đoạn nguồn cung vừa được cải thiện, thì trong nhiều ngày qua, các cửa hàng xăng dầu tại TPHCM tiếp tục “gồng mình” hoạt động trong bối cảnh chiết khấu gần như bằng 0 đồng.
Khách hàng đổ xăng tại một cây xăng ở Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC
Khách hàng đổ xăng tại một cây xăng ở Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

Chưa tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 doanh nghiệp đầu mối

Theo một nhân viên Cửa hàng Xăng dầu số 1 - nhượng quyền của Petrolimex Sài Gòn (đường Nguyễn Văn Quá, quận 12), ngày 6-9, lượng khách đổ xăng đã bình thường trở lại. Tại các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp tư nhân từng bị lực lượng chức năng “điểm mặt” do ngưng bán không có lý do thỏa đáng đã hoạt động bình thường. Các chủ cửa hàng, đại lý xác nhận, hàng hóa đã nhập về nhưng sản lượng được phân phối theo “hạn ngạch”, còn chiết khấu gần như 0 đồng. “Chúng tôi làm gì có hàng dồi dào mà găm. Chưa kể, nếu găm hàng, giờ này bán ra đã lỗ nặng vì giá xăng vừa điều chỉnh giảm”, chủ một cửa hàng xăng dầu chia sẻ.

Trong khi đó, trước việc Thanh tra Bộ Công thương ngày 5-9 ra quyết định xử phạt tiền đối với 18 đơn vị gồm các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, công ty con; đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối, gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng bày tỏ lo lắng về việc có thể thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Saigon Petro đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Công thương kiến nghị dừng quyết định tước giấy phép nhằm tránh ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, riêng tại thị trường TPHCM, Saigon Petro có trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. 

Chiều 6-9, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết, quan điểm của hiệp hội là với bất cứ vi phạm nào cũng cần phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Còn việc các doanh nghiệp bị tước giấy phép sẽ có 2 tình huống xảy ra: Thứ nhất, chỉ tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu, tức doanh nghiệp vẫn được kinh doanh, ở thị trường nội địa. Tình huống thứ hai, các doanh nghiệp bị tước toàn bộ giấy phép, gồm cả nhập khẩu và kinh doanh nội địa. Do đó, doanh nghiệp gần như “án binh bất động” hoàn toàn. Còn theo TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến thất thường, việc rút giấy phép của các doanh nghiệp đầu mối là không nên, bởi có thể tiếp tục dẫn tới những tác động xấu cho thị trường.

Tối 6-9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, về việc tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối (lỗi chủ yếu không đáp ứng quy định về hệ thống phân phối), liệu có ảnh hưởng gì đến nguồn cung xăng dầu hay không, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc này đã được báo cáo Chính phủ. Tinh thần là xử nghiêm hành vi vi phạm nhưng lưu ý đến bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung cho các đầu mối xăng dầu để không ảnh hưởng đến xăng dầu cho sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu tiêu thụ của toàn dân. Trước mắt, Bộ Công thương sẽ phạt hành chính các sai phạm, còn việc tước giấy phép sẽ thực hiện ở thời điểm thích hợp. 

Nghịch lý giá dầu đắt hơn giá xăng

Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu đã qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 8 lần giảm. Hiện, giá dầu diesel và dầu hỏa đã tăng khoảng 7.000 đồng/lít so với đầu năm (tăng 38,12%), trong khi xăng RON95 và E5 RON92 đã giảm về mức tương đương đầu tháng 1.

Lý giải nguyên nhân lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu cao hơn giá xăng, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết, do giá dầu thành phẩm trên thế giới có mức tăng 10-16% so với giá bình quân ở kỳ điều hành ngày 22-8; nhu cầu dầu diesel tăng cao trong các tháng cuối năm, cao điểm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa (nguyên liệu chính của ngành vận tải, đánh bắt hải sản, sản xuất công nghiệp...). Dự báo trong vài tháng tới, tình trạng thiếu hụt dầu diesel có thể trở nên tồi tệ hơn khi vào mùa lạnh và EU chính thức cấm nhập khẩu nhiên liệu qua đường biển từ Nga từ đầu năm 2023.

Tuy nhiên, việc giá dầu ở nước ta lần đầu tiên vượt giá xăng cũng một phần do điều hành của liên bộ Công thương - Tài chính chưa linh hoạt. Vừa qua, liên bộ cần hỗ trợ thêm từ Quỹ Bình ổn giá để giá dầu diesel không tăng cao hơn giá xăng. Tại kỳ điều hành ngày 5-9, liên bộ đã cho xả quỹ ở mức 300 đồng/lít để kìm hãm giá dầu diesel, nhưng liên tiếp các kỳ điều hành trước đó, loại dầu này liên tục phải trích lập quỹ ở các mức cao (cao nhất là 850 đồng/lít vào ngày 22-8), dẫn đến giá dầu theo sát giá xăng.

Đối với việc có nên duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, từ đó lựa chọn phương án hợp lý nhất, báo cáo cấp có thẩm quyền để bảo đảm cao nhất lợi ích của nền kinh tế.

Một số chuyên gia cũng đề nghị, Bộ Công thương nên sớm nghiên cứu, đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, bỏ quy định thương nhân đầu mối nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Bởi, ràng buộc này sẽ là rào cản các doanh nghiệp mới tham gia thị trường vì không phải doanh nghiệp non trẻ nào cũng đủ khả năng xây dựng cả hệ thống cho mình. Đồng thời, cần tính đến việc mở cửa cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của nước ngoài vào hoạt động để tăng sức cạnh tranh, làm lành mạnh thị trường.

Tin cùng chuyên mục