Heo, vịt, rắn tượng trưng tham, sân, si?

HỎI:
Heo, vịt, rắn tượng trưng tham, sân, si?

HỎI: Tôi học môn Lịch sử Triết học, thấy trong giáo trình viết kinh Phật ví ba sự tham, sân, si với ba con vật heo, vịt, rắn. Tại sao có sự so sánh như vậy?
Nguyễn Thị Xuân Diệu (K06, ĐH Y Dược, TPHCM)

Heo, vịt, rắn tượng trưng tham, sân, si? ảnh 1

Tranh vịt của Dương Thiện Thâm.

NGHÊ DŨ LAN: Chúng tôi không biết bạn đang dùng giáo trình Lịch sử Triết học của tác giả nào nhưng so sánh tham, sân, si với heo, vịt, rắn thì quả rất lạ!

Theo Phật giáo, tham, sân, si gọi chung là Tam độc  (three poisons). Các nhà Phật học ví von rằng rắn độc là thứ người đời rất kinh sợ nhưng cũng không đáng sợ bằng tam độc, bởi lẽ rắn độc hại người chỉ một kiếp, còn tam độc hại người qua nhiều kiếp luân hồi (samsara). Như thế, cả ba tham, sân, si được so sánh với rắn độc chứ không so sánh riêng si với rắn.

Nếu phóng khoáng, xem so sánh tham, sân, si với heo, vịt, rắn là một “sáng tạo” vượt ra ngoài kinh điển truyền thống nhà Phật và nếu không chấp vào kinh xưa thì ta thử tìm xem có mối liên hệ nào giữa tham, sân, si và ba con vật ấy chăng.

Tham (greed, desire) là lòng tham lam, muốn chiếm giữ những thứ mình ham thích, khao khát. Chẳng hạn tham ăn, tham tiền, tham danh, tham sắc (sex). Trong tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân (1500-1582), nhân vật Trư Bát Giới (con heo) là biểu tượng (symbol) của tham ăn, tham của cải, tham sắc, tham ngủ, v.v… Tiếng Anh cũng gọi kẻ tham lam là heo (pig: a person who is greedy). Do đó, ví tham với heo cũng không phải vô lý.

Sân (anger) là nóng giận. Chúng tôi chưa thấy có liên quan gì giữa vịt và sự nóng giận. Người Anh gọi thân mật một người bạn là vịt (duck, ducky, duckie). Thí dụ: Anything else, duck? (Còn gì khác không, bồ tèo?)

Theo Outlines of Chinese Symbolism and Art Motives của C.A.S. Williams (New York, 1976, tr. 146, 147), người Trung Quốc (TQ) xem vịt (áp) là biểu tượng của hạnh phúc, vận may (felicity), nên nhiều tranh thủy mặc Tàu thường vẽ con vịt. Chẳng hạn bức tranh vịt của Dương Thiện Thâm  (1913-2004) thuộc họa phái Lĩnh Nam (TQ).

Theo A Dictionary of Chinese Symbols của Wolfram Eberhard (New York, 1993, tr. 87), ở một số địa phương phía Đông TQ, chữ áp (vịt) là từ cấm kỵ vì có nghĩa yêu đương đồng tính. Còn ở miền Bắc TQ, chữ áp (vịt) ám chỉ dương vật. (In some parts of East China, the word for duck [ya] is taboo as it also means homosexual. In the North, ya is one word for ‘penis’).

Si (stupidity, ignorance, unintelligence) là si mê, ngu si, vô minh, không còn biết thật - giả, phải - trái, chánh - tà…

Rắn là một biểu tượng có ý nghĩa khác nhau tùy theo mỗi nền văn hóa. Ở Ai Cập cổ đại và Ấn Độ rắn được thờ như thần linh (gods). Con rắn hổ mang linh thiêng (the uraeus, sacred cobra) trên trán ông vua (pharaoh) Ai Cập cổ đại liên quan tới tri thức có được từ sự minh triết ẩn áo (knowledge was gained of the hidden wisdom). Người Bà-la-môn (Hindus) ở Ấn gọi những kẻ khôn ngoan là rắn (nagas). Kinh Thánh chép lời Chúa Jesus: “Vậy anh em phải khôn như rắn – Therefore be as shrewd as snakes” (Matthew, 10:16).

Thông thiên học (Theosophy) xác định rằng bản thân con rắn luôn luôn là biểu tượng cho minh triết (The serpent itself has always been a symbol of wisdom). Do đó, Hội Thông thiên học (Theosophical Society, thành lập năm 1875 ở thành phố New York, Mỹ) đã làm phù hiệu (emblem) là một kết hợp gồm năm biểu tượng, trong đó biểu tượng thứ ba là một con rắn cắn đuôi để tượng trưng cho chu kỳ tuần hoàn không ngưng nghỉ của vũ trụ (The serpent swallowing its tail represents the circle of the universe, the endlessness of the cyclic process of manifestation).

Do đó, ví Si (ngu si) với rắn (khôn ngoan) thì rất khó thuyết phục.

Tin cùng chuyên mục