Hết tết, giá vẫn... còn tết

Những ngày cao điểm tết đã qua nhưng giá của nhiều loại thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ vẫn chưa hạ nhiệt. Đặc biệt, tại các khu mua sắm, vui chơi giải trí và đền chùa ở TPHCM, người dân vẫn phải bấm bụng trả tiền cho các dịch vụ giữ xe và ăn uống cao gấp nhiều lần ngày thường.
Hết tết, giá vẫn... còn tết

Những ngày cao điểm tết đã qua nhưng giá của nhiều loại thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ vẫn chưa hạ nhiệt. Đặc biệt, tại các khu mua sắm, vui chơi giải trí và đền chùa ở TPHCM, người dân vẫn phải bấm bụng trả tiền cho các dịch vụ giữ xe và ăn uống cao gấp nhiều lần ngày thường.

  • Giữ xe, vá xe “ăn” theo tết

Mùng 8 Tết, hầu hết các bãi giữ xe tại khu vực trung tâm TPHCM như Thảo Cầm viên, chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại Saigon Square, Thương xá Tax (quận 1)… vẫn còn giá gởi xe 3.000-5.000 đồng/xe gắn máy.

Đặc biệt vào chiều tối, khi lượng khách đổ dồn về khu trung tâm nhiều hơn, một số bãi còn “hét” giá 10.000 đồng/xe gắn máy thường và 15.000 đồng/xe tay ga. Riêng khu vực chợ Bình Tây (quận 6), tất cả các bãi giữ xe đều đồng loạt lấy giá 5.000 đồng/xe gắn máy thường và 10.000 đồng/xe tay ga, cao gấp rưỡi ngày thường.

Song, đáng nói hơn cả là các điểm giữ xe gắn máy tự phát quanh Khu du lịch Suối Tiên (quận 9). Chị Xuân Trang, một du khách tham quan tại đây vào sáng mùng 8, cho biết: “Khu du lịch có tổ chức một bãi giữ xe đúng giá quy định cho khách nhưng sức chứa không đủ đáp ứng lượng khách. Trong khi đó, các điểm giữ xe tự phát quanh đó ra sức chèo kéo du khách với giá 10.000 - 15.000 đồng/lượt”.

Lý do tăng giá được các chủ giữ xe đưa ra là do những ngày sau tết, nhiều lao động vẫn chưa quay lại thành phố làm việc nên phải giữ giá ngày tết để bù vào tiền thuê nhân viên. Bên cạnh đó, do nhu cầu gởi xe sau tết vẫn chưa hạ nhiệt nên dù vẫn giữ mức giá ngày tết, các điểm giữ xe vẫn đông khách, thu bộn tiền.

Ngoài ra, tại một số ngôi chùa lớn ở TPHCM như Vĩnh Nghiêm (quận 3), Phước Hải Tự (quận 1), Quan Âm (quận 5)…, giá giữ xe vẫn cao như những ngày tết. Nắm bắt được tâm lý càng gần rằm tháng Giêng, người đi chùa càng đông, tìm được chỗ gởi xe đã khó nên chẳng ai hỏi giá trước khi đem xe vào gởi. Lúc lấy xe ra, chủ bãi hét bao nhiêu người gởi xe phải trả bấy nhiêu.

Bên cạnh đó, giá bơm bánh xe, vá ruột, thay vỏ nhiều nơi ở khu vực trung tâm thành phố vẫn còn “ăn” theo giá tết. Anh Minh, nhà ở quận 3, bức xúc cho biết: “Ngày thường bơm bánh xe có 1.000 đồng/bánh, tết tăng lên 2.000 - 3.000 cũng phải chấp nhận vì khó tìm được chỗ bơm xe. Sau tết, nhiều điểm bơm xe đã hoạt động trở lại bình thường nhưng giá vẫn không giảm, vá ruột xe đến 15.000 đồng/lỗ dù ngày thường chỉ 5.000 - 7.000 đồng”.

  • Hàng quán vô tư chặt, chém

Trong những ngày tết, do nhiều hàng quán còn đóng cửa nên những quán ăn khai trương từ mùng 2, 3 Tết tranh thủ nâng giá thức ăn cao hơn ngày thường 5.000 - 10.000 đồng/món. Thậm chí một số quán còn phụ thu của khách thêm 10.000 đồng phí phục vụ cho một bàn ăn 5-10 người. Tuy nhiên, sau ngày mùng 8, dù rất nhiều quán đã khai trương trở lại nhưng hàng loạt quán trên đường Điện Biên Phủ, Cống Quỳnh (quận 1), Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3)… vẫn tăng giá thức ăn.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều quán ăn vẫn ăn nên làm ra nhờ “ăn” theo giá tết. Ảnh: Phú Khuynh

Sau Tết Nguyên đán, nhiều quán ăn vẫn ăn nên làm ra nhờ “ăn” theo giá tết. Ảnh: Phú Khuynh

Giải thích lý do tăng giá, chị Thu, chủ một quán bún chả trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), cho biết do nguyên liệu đầu vào như thịt heo, rau thơm, bún… đều không giảm giá sau tết nên giá một phần bún chả vẫn ở mức 40.000 đồng/tô, cao hơn trước tết 8.000 đồng/tô. Song chị cũng thừa nhận một phần nguyên nhân tăng giá là do hầu hết các hàng quán lân cận còn giữ giá tết nên quán mình cũng không giảm.

Ngoài ra, nắm bắt tâm lý sau tết thường là dịp bạn bè, đồng nghiệp họp mặt, thực khách sẵn sàng chi mạnh tay hơn trong những ngày đầu năm mới nên nhiều quán tranh thủ thời gian này hốt bạc. Dù nhiều nơi phải kê thêm bàn cho khách ngồi tràn ra cả vỉa hè, phụ thu thêm 10% phí phục vụ nhưng lúc nào cũng đông nghịt khiến các chủ quán vẫn vô tư chặt, chém.

Bên cạnh sự sôi động của các quán ăn, quán nhậu, nhiều quán cà phê, giải khát trên đường Phạm Ngọc Thạch, Điện Biên Phủ (quận 1) sau tết cũng ken cứng người. Giá thức uống tăng trung bình 3.000 - 7.000 đồng, một số nơi còn tận dụng một số dịch vụ mới như đánh giày, lau chùi xe cho khách để thu thêm phí phục vụ 10.000 - 15.000 đồng.

Anh Minh Nhật, đi cùng bạn gái đến quán cà phê T.N trên đường Cao Thắng (quận 3), cho biết ngày đầu năm không ai muốn chuốc lấy bực mình nên dù đôi giày mới mua còn sáng bóng, anh vẫn phải móc thêm hầu bao trả cho người đánh giày để tránh bị làm phiền.

Như vậy, dù tết đã qua gần một tuần nhưng người dân vẫn bị các bãi giữ xe, hàng quán “móc túi” một cách vô tội vạ. Việc chặt, chém gần như đã trở thành một thông lệ mỗi năm đến hẹn lại lên nhưng không thấy các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, xử lý. 

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục