Hiểm họa có thật?

Rất nhiều lần trong tháng 9, châu Âu nhận những thông tin cảnh báo khủng bố với mục tiêu tấn công là các địa danh nổi tiếng ở Pháp, Anh, Đức… Mới đây nhất, Cơ quan Tình báo Saudi Arabia ngày 17-10 đã thông báo với Pháp về chi nhánh khủng bố Al-Qaeda tại Yemen có khả năng tấn công vào các nước châu Âu, đặc biệt Pháp. Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói: “Mối đe dọa là có thực và chính quyền đang trong tình trạng báo động”. Chưa bao giờ các thủ đô châu Âu được Al-Qaeda đặc biệt quan tâm đến vậy.

Sự việc khởi nguồn từ tháng 7-2010, khi một công dân Đức gốc Afghanistan bị bắt giữ tại Kabul (Afghanistan) với bản kế hoạch chi tiết tấn công Đức với kịch bản tương tự vụ Mumbai, Ấn Độ, năm 2008 làm 16 người thiệt mạng. Hơn 1 tháng sau, Đức đóng cửa một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Hamburg, miền Bắc nước Đức, nơi những kẻ tham gia vụ khủng bố 11-9 ở Mỹ từng thường xuyên lui tới.

Ngày 4-10, một máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt 11 tay súng nổi dậy tại Bắc Waziristan (Pakistan), trong đó có ít nhất 5 người mang quốc tịch Đức. Một ngày sau, cảnh sát Pháp bắt giữ 12 người có quan hệ với một kẻ chế tạo bom người Algeria bị cảnh sát Italia bắt giữ không lâu trước đó.

Trong khi đó, Al-Qaeda rất biết sử dụng Internet như một công cụ để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng toàn cầu chứ không chỉ riêng thế giới Arab. Bằng chứng là bản của Tạp chí tiếng Anh “Inspire” phát trên mạng Internet của chi nhánh Al-Qaeda ở Yemen đã hướng dẫn cách tự tạo vũ khí. Al-Qaeda còn hy vọng thông qua “Inspire” sẽ chiêu mộ nhiều hơn thanh niên ở các nước phương Tây tiến hành thánh chiến…

Có nên công khai những cảnh báo khủng bố? Câu hỏi này vẫn còn là đề tài gây tranh cãi. Người thì cho rằng rất nên thông báo đến từng công dân các nước để họ biết mình đang đối diện với điều gì. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến tỏ rõ sự hồ nghi về những cảnh báo vừa qua.

Theo giới quan sát, cũng giống như các bản báo cáo an ninh khác của Đức, Pháp và Anh, thường các nguồn tin chỉ cảnh báo về các mối đe dọa là “có thật” nhưng không hề đưa thêm chi tiết cụ thể nào. Lại cũng có một số nhà phân tích nhận định rằng, việc Mỹ lớn tiếng báo động các cuộc khủng bố tại châu Âu chẳng qua là một chiêu bài của Chính phủ Mỹ nhằm đánh lạc hướng dư luận về việc Mỹ sa lầy ở chiến trường Afghanistan. Chính quyền Tổng thống Obama đang mất uy tín và họ đang ra sức cố gắng để hút càng nhiều lá phiếu cử tri càng tốt trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Còn những người thận trọng thì nghĩ, có thể Al-Qaeda đang chơi trò “giương đông kích Tây”, đe dọa châu Âu nhằm xao lãng sự quan tâm của nước ngoài đối với những điểm nóng có sự hiện diện của tổ chức khủng bố này. Nhận thấy rõ nhất là ở Pakistan, nơi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ đánh bom nhằm vào các đoàn xe của NATO.

Dù thế nào đi nữa, cảnh báo cũng đã phát đi rồi. Các thủ đô châu Âu cũng đều đã lên tiếng công nhận hiểm họa Al-Qaeda và coi đó là việc nghiêm túc. Sau vụ tấn công 11-9 ở Mỹ, thế giới trở nên nhạy cảm hơn trước hiểm họa khủng bố, dù đôi khi chỉ là những tin tức mơ hồ nhất

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục