Hiến pháp sửa đổi 2013

Biểu thị sự thống nhất cao, với số phiếu gần như tuyệt đối, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013. Đây là sự kiện đặc biệt, một dấu mốc trong tiến trình lập hiến của đất nước.

Hiến pháp sửa đổi đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân. Lần sửa đổi này đã có trên 26 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý. Đại biểu Quốc hội đã tham gia ý kiến thảo luận nhiều phiên qua 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc được tinh hoa trí tuệ của toàn dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) của Đảng được thể hiện trong văn bản Hiến pháp như sự thể hiện của ý Đảng, lòng dân - ngọn nguồn sức mạnh đưa đất nước vững bước đi lên.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nước ta, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Các quy định của Hiến pháp là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hiến pháp sửa đổi 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật, kế thừa các nội dung của các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Hiến pháp sửa đổi 2013 khẳng định và làm rõ bản chất chế độ ta về phát huy quyền làm chủ nhân dân, quy định rõ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Các sửa đổi liên quan đến quyền con người: quyền sống, cấm phân biệt đối xử vì lý do chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; cấm phân biệt đối xử về giới tính; cấm lao động cưỡng bức, cấm sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu… được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh.

Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời bổ sung trách nhiệm của Đảng “Gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp nhấn mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Về lĩnh vực kinh tế, Hiến pháp nêu vấn đề có tính phổ quát về mô hình kinh tế Việt Nam: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước. Liên quan đến thu hồi đất, Hiến pháp quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Hiến pháp sửa đổi 2013 quy định rõ thẩm quyền Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cơ quan thường trực của Quốc hội.

Hiến pháp sửa đổi 2013 nêu những điểm mới về chính quyền địa phương. Đối với thành phố trực thuộc trung ương được chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và mỗi cấp chính quyền địa phương. Đây là quy định mở để Quốc hội tiếp tục ban hành văn bản luật về tổ chức chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương làm tốt vai trò, nhiệm vụ và nâng cao năng lực phục vụ dân.

Hoạt động lập hiến đã được tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ. Việc lấy ý kiến nhân dân là một trong những nội dung quan trọng của quy trình xây dựng Hiến pháp mà lần này đã nhận được nhiều sự góp ý đáng trân trọng. Việc đại biểu Quốc hội đã có ý kiến thẳng thắn, xây dựng và xem xét tiếp thu những ý kiến đóng góp đã nói lên trách nhiệm của đại biểu nhân dân.

Ý nghĩa của việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cơ sở để nhà nước ta đưa ra những chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại phù hợp, tạo động lực cho sự ổn định và phát triển bền vững.

Hiến pháp sửa đổi 2013 vừa được thông qua, vấn đề đặt ra là khẩn trương hoàn thiện hệ thống luật pháp, tạo sự đổi mới về thể chế, về chính sách pháp luật, đây cũng là một trong những đột phá cho phát triển.

Thực hiện Hiến pháp, pháp luật là của cả hệ thống chính trị, là tạo sự đồng thuận và niềm tin nơi dân, là thể hiện sự hành xử trong công việc, trong cuộc sống của cán bộ công chức và người dân. Tất cả cùng hướng xã hội tới một giá trị tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục