
25 năm trước, Lưu Quang Vũ cùng những kịch bản mang hơi thở nóng bỏng của cuộc sống đã “làm mưa, làm gió”, tạo nên hiện tượng của ngành sân khấu. Sau 1/4 thế kỷ, những vở kịch của ông lại tiếp tục tỏa sáng và tạo nên một cơn “dư chấn” trong đời sống nghệ thuật. Cảnh háo hức, hăm hở, xếp hàng để xem diễn đã trở lại trong suốt những ngày diễn ra liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ, khiến những người yêu sân khấu lại sống trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn.
1. Khác hẳn với không khí hiu hắt của sân khấu thường thấy trong nhiều năm trở lại đây của miền Bắc, suốt một tuần qua, rạp Đại Nam, Công Nhân, Tuổi Trẻ đã trở thành điểm đến của những người yêu nghệ thuật. Không trong giờ vàng mà ngay cả những xuất diễn vào 9 giờ sáng, các hàng ghế đều không còn một chỗ trống dù đó là kịch nói, cải lương hay chèo. Khán giả đã trở lại với sân khấu, họ đến để cùng cảm nhận được sự đồng điệu của tinh thần thượng tôn lẽ phải, sự trung thực để miên man với những suy nghĩ về lương tâm, niềm tin, sự thật, chân lý… trong mỗi kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ, người đã trở thành hiện tượng của sân khấu Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước. Khán giả đã cùng khóc, cười, cùng uất ức rồi cảm thông với Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Điều không thể mất, Nàng Si ta, Mùa hạ cuối cùng.

Một cảnh trong vở Mùa hạ cuối cùng.
Hình ảnh những khán phòng đông kín khán giả, thậm chí người xem phải ngồi bệt giữa 2 hàng ghế hoặc đứng một chân, sẽ còn đọng mãi trong lòng các nghệ sĩ, những người yêu sân khấu, đặc biệt là với ai yêu kịch Lưu Quang Vũ. “Người được mời, được tặng vé, người phải bỏ hàng trăm ngàn đồng để sở hữu những tấm vé từ tay các “cò” ngoài cửa rạp để rồi ngồi chen chúc giữa các lối đi đều chăm chú theo dõi vở diễn mà không ai bỏ về giữa chừng. Đó là hiện tượng lạ mà chỉ có Lưu Quang Vũ mới làm được”, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu tâm sự.
2. Vui vì khán giả vẫn chưa quay lưng lại với sân khấu nhưng những người tâm huyết với nghề cũng không khỏi chạnh lòng bởi sau từng ấy năm, dường như sân khấu vẫn đang trong thế giậm chân tại chỗ. Trong 12 vở tham gia liên hoan lần này chỉ có duy nhất Mùa hạ cuối cùng của Nhà hát Tuổi Trẻ là có sự tham gia chút ít công nghệ hiện đại khi đưa các màn trình chiếu video art. Âu đó cũng là tín hiệu vui của sự sáng tạo, dám thay đổi, dù hiệu quả chưa thật rõ rệt. Còn lại toàn bộ các nhà hát khác vẫn loay hoay với những cánh gà chật hẹp, bục bệ thô sơ không khác gì ba mươi năm về trước. Như một nhà báo đã dẫn chứng rất đau lòng rằng ngay cả ngài Thích Đế trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, muốn thăng thiên phải áp dụng kiểu xoay ba vòng rồi biến mất sau cánh gà của những năm xưa cũ.
Cũng tại liên hoan này, những người làm sân khấu lại giật mình bởi khoảng trống mà Lưu Quang Vũ để lại là quá lớn, không chỉ ở kịch bản mà còn ở đội ngũ đạo diễn, diễn viên tài năng, nhiệt huyết. Những gì mà các nghệ sĩ trẻ thể hiện trong 12 vở diễn tham dự liên hoan lần này vẫn chưa thể tạo “lửa” bằng các thế hệ đàn anh, đàn chị trước đây. Ngay cả đạo diễn, NSND Chí Trung, người được tặng giải thưởng đạo diễn với vở Mùa hạ cuối cùng cũng cay đắng thừa nhận độ chênh giữa lứa diễn viên cũ và mới. Dù chỉ xuất hiện không nhiều với vai diễn không phải là trung tâm nhưng người xem cảm thấy những Đức Khuê, Ngọc Huyền, Thanh Tú… vẫn tạo được dấu ấn đẹp, thậm chí còn góp phần cứu vãn cả một vở kịch.
Ngày 16-9, Hội Nghệ sĩ sân khấu đã tổng kết và trao giải vàng cho 16 nghệ sĩ, giải bạc cho 34 nghệ sĩ. Vở Mùa Hạ cuối cùng đem về cho NSND Chí Trung giải thưởng đạo diễn. Liên hoan khép lại, song khán giả vẫn chờ đợi từ hiện tượng Lưu Quang Vũ, các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên sẽ tự nhìn lại mình để mở ra một hướng đi mới cho sân khấu nước nhà.
MAI AN