(SGGP).- Nhiều chuyên gia pháp luật, xã hội, cộng đồng đã nêu ý kiến như vậy tại buổi tọa đàm và giao lưu trực tuyến mang chủ đề “Tìm mô hình và thiết chế hoạt động cho hiệp sĩ đường phố” do Báo Người Lao động tổ chức vào chiều 17-10.
Theo Đại tá Huỳnh Ngọc Phương (Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an), trong phạm vi cả nước đến nay chưa có tổ chức, mô hình nào chính thức mang tên gọi “hiệp sĩ”. Từ “hiệp sĩ” là do xã hội, người dân có cảm tình với các thành viên của nhóm hoặc của CLB phòng chống tội phạm tôn vinh. Về mặt pháp lý, ai có khả năng thì có thể tham gia bảo vệ an ninh trật tự nhưng phải tuân thủ pháp luật, không lợi dụng việc này để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ông cũng bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở trước việc “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh qua đời do tai nạn giao thông trong lúc truy đuổi tội phạm, hoàn cảnh gia đình anh Chinh khó khăn nhưng chưa nhận được chính sách, chế độ hỗ trợ nào. Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM) cho rằng việc thành lập các CLB phòng chống tội phạm là đúng luật, cần nhân rộng mô hình này.
Thời gian qua, tại TPHCM và tỉnh Bình Dương đã hình thành nhóm “hiệp sĩ” hoặc CLB phòng chống tội phạm (thường được gọi là CLB “hiệp sĩ”). Các “hiệp sĩ” đã tham gia tích cực vào việc bắt quả tang đối tượng phạm tội, giao nộp cho cơ quan công an để điều tra; hỗ trợ quần chúng nhân dân tự vệ trước cái ác, cái xấu, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội.
Tuy nhiên, việc thành lập CLB “hiệp sĩ” đến nay vẫn là tự phát, hầu hết các “hiệp sĩ” làm việc trên tinh thần tự nguyện là chính nên có khả năng dẫn đến can dự trái nguyên tắc vào hoạt động công vụ của các lực lượng khác, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật. Nguyên nhân là do đến nay chưa có mô hình, thiết chế đúng nghĩa và phù hợp để các CLB “hiệp sĩ” hoạt động; đồng thời đa số “hiệp sĩ” chưa được trang bị kiến thức pháp luật đầy đủ.
A. CHÂN