Trẻ em ở tuổi vị thành niên có đời sống tâm lý khá phức tạp. Ở lứa tuổi 12 tới 18, các em như những đóa hoa chớm nở, nhưng đồng thời cũng là miếng mồi ngon của bao sự cám dỗ, bởi thể chất và tinh thần các em phát triển chưa đầy đủ, chưa hiểu hết những biến chuyển đầy phức tạp trong xã hội.
Vì thế, các bậc phụ huynh, những anh, chị trong gia đình, cũng như mỗi giáo viên ở trường cần đặc biệt quan tâm đến các em đang ở lứa tuổi vị thành niên.
Ở lứa tuổi 11 - 12, trẻ bắt đầu khám phá cuộc đời bằng sự tò mò, qua cặp mắt tìm hiểu, dò xét. Những thay đổi của cơ thể khiến các em hoang mang, rồi tiến tới muốn khám phá những điều mà các em chưa biết. Vào thời điểm này các em đang lúng túng trên bước đường đi của mình, đang dần định hình tính cách và khi ấy, không ai khác, chính những người làm cha làm mẹ hãy trở thành những người bạn đồng hành bên cạnh để hướng con em vào những việc nên làm và những điều nên tránh. Trong đó, việc giáo dục nhân cách, giáo dục giới tính luôn đóng vai trò quan trọng.
Ở lứa tuổi 13 - 14, các em càng mở rộng tầm nhìn xã hội và bắt đầu những “thí nghiệm” mới trong cuộc sống, dò dẫm bước vào đời sống xã hội với các quan hệ xã hội, thích tự do, có nhu cầu về vật chất để thỏa mãn nhiều ước muốn cá nhân… Ở lứa tuổi này, các em rất cần những người hiểu biết, có kinh nghiệm hướng dẫn. Không nên cấm đoán vì sẽ dẫn tới hiệu ứng phản tác dụng, càng khơi dậy tính tò mò của các em. Hãy cùng các em trải nghiệm, chia sẻ và giải thích nhẹ nhàng, thân tình để các em từ từ nhận ra những điều phải trái.
Nếu không được hướng dẫn cặn kẽ về đạo đức, lòng tự trọng, khát vọng, hướng thiện cùng một số kỹ năng ứng xử xã hội… thì khi bước vào giai đoạn 15 - 16 tuổi, các em sẽ dễ vấp ngã. Trong thực tế, không ít em trai ở tuổi này ham chơi, bỏ học rồi dẫn đến bài bạc, hút xách..., sau đó dễ đi vào con đường tội phạm. Còn các em gái dễ bị dụ dỗ, sa ngã vào con đường xấu…
Về mặt pháp lý, các em vẫn ở lứa tuổi chưa trưởng thành, nên những vấp ngã đầu đời của các em, trách nhiệm thuộc về gia đình, cha mẹ. Và đây chính là vấn đề mà gia đình và cả xã hội đang trăn trở.
Nguyễn Hoàng Duy