Hình thành các quan niệm đúng về bình đẳng giới

Một báo cáo vừa công bố của Tổ chức Lao động quốc tế đã đưa ra con số chỉ 20% nam giới Việt Nam làm việc nhà, trong khi đó, phụ nữ Việt Nam đang phải mang trên vai gánh nặng kép, cũng phải chung lo cơm áo, gạo tiền, vừa chu toàn việc gia đình.
Hình thành các quan niệm đúng về bình đẳng giới

Gánh nặng này càng nặng hơn do dịch Covid-19, khi mà người phụ nữ phải “co kéo” để trang trải cuộc sống với thu nhập giảm sút. Mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam dù cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn khá xa so với mong muốn.

Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội (ISDS), xung quanh vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện nay. 

- Phóng viên: Theo bà, hiện nay, phụ nữ Việt Nam đã có vị thế như thế nào trong xã hội?

* Bà KHUẤT THU HỒNG: Nếu nhìn vào những con số: Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong tốp 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; tuổi thọ trung bình của phụ nữ đạt 76,3 tuổi (trong khi tuổi thọ trung bình của phụ nữ trên thế giới là 72); tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% của toàn cầu và 18,6% của châu Á… thì có thể thấy, phụ nữ Việt Nam đã có những bước tiến dài trong việc cải thiện vị thế của mình trong xã hội. Chúng ta cũng thấy, phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động quốc gia, tỷ lệ nữ sinh ở các cấp học bằng, có khi còn vượt tỷ lệ nam sinh ở một số cấp. Mỗi ngày chúng ta lại thấy xuất hiện thêm những gương mặt phụ nữ thành đạt trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội… 

Nhưng so với năng lực tiềm tàng của phụ nữ Việt Nam thì những thành tựu nói trên còn khá khiêm tốn.

- Nghĩa là mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao địa vị của phụ nữ ở Việt Nam vẫn chưa như mong muốn?

 * Nói một cách công bằng, bình đẳng giới mới chỉ được cải thiện ở một bộ phận nhỏ phụ nữ ở đô thị, những người có học vấn cao, có thu nhập tốt. Dù ở cấp độ xã hội hay gia đình, người phụ nữ vẫn luôn phải đứng sau người đàn ông. Nhìn vào các diễn đàn thảo luận việc quốc gia đại sự để thấy tỷ lệ phụ nữ hiện diện ở đó vẫn còn quá ít để đại diện cho một nửa dân số của quốc gia. Nhìn đường phố những giờ tan tầm sẽ thấy những gương mặt phụ nữ căng thẳng lo sao kịp đón con giờ tan trường và kịp ghé vào chợ mua thức ăn cho cả nhà. Nhìn vào mỗi gia đình cũng có quá ít ông chồng hết giờ làm việc về nhà nấu cơm, dọn dẹp. Ở nông thôn thì nhân vật nữ trong bức tranh giới còn vất vả hơn nhiều.

- Vậy theo bà, vì sao đã có rất nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ về bình đẳng giới đã được thực hiện trong thời gian qua mà kết quả đạt được vẫn còn hạn chế?

 * Như đã đề cập ở trên, đúng là bình đẳng giới ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực, nhưng chúng ta còn chặng đường dài mới đến đích. Xã hội nhìn chung vẫn đánh giá phụ nữ thấp hơn nam giới mà quên rằng trong khi nam giới tập trung phấn đấu cho sự nghiệp, thì người phụ nữ ngoài sự nghiệp cá nhân, còn phải đảm đương vai trò chăm sóc, nội trợ - một gánh nặng triền miên, một công việc không được trả công và không được đánh giá cao. Chưa kể, phụ nữ luôn được khuyến khích phải nhường nhịn, hy sinh cho anh em trai, cho chồng, cho con. Nếu người phụ nữ lên tiếng thì họ sẽ bị chụp cái mũ “nữ quyền” là đòi “cưa đôi” thế giới. Nhiều phụ nữ không lên tiếng vì họ biết rằng cái “vòng kim cô” của khuôn mẫu giới sẽ thắt chặt hơn. Đó là lý do khiến không ít phụ nữ tự nguyện giam mình trong cái khuôn mẫu truyền thống và giam luôn cả con gái, em gái, bạn gái của mình, không dám thay đổi, không dám thách thức bản thân, thách thức số phận.

- Bà có nhắc đến “nữ quyền”, theo bà, “nữ quyền” cần được hiểu như thế nào?

 * Có không ít người chưa hiểu đúng về khái niệm “nữ quyền”. Trong suy nghĩ của họ, những người đấu tranh cho “nữ quyền” là luôn gào thét đòi bằng được quyền lợi cho phụ nữ, bất chấp nó có hợp lý hay không. Thậm chí có người còn tưởng rằng “nữ quyền” là cổ vũ phụ nữ sống như đàn ông, không cần nấu cơm, rửa chén, không lấy chồng, dễ dàng bỏ chồng, không thích sinh con, ăn to nói lớn… Cách hiểu về nữ quyền như vậy là không đúng, nó khiến cho mọi người ngày càng ác cảm với “nữ quyền” và tìm cách chối bỏ nó. “Nữ quyền” không phải là phủ nhận đàn ông hay phủ nhận nữ tính. Trái lại, “nữ quyền” khuyến khích việc tính đến quan điểm của phụ nữ về các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là các vấn đề của phụ nữ để phụ nữ cùng nam giới “thiết kế” xã hội sao cho đáp ứng được nhu cầu của cả hai giới và tạo điều kiện cho cả hai giới phát huy được năng lực của mình.

- Chúng ta cần phải làm gì để giải quyết được tận gốc của vấn đề bình đẳng giới?

 * Tôi thấy trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực trong thế hệ trẻ. Nhưng để có những thay đổi bền vững cần xóa bỏ các định kiến về năng lực phụ nữ, thay đổi các khuôn mẫu giới đang gắn chặt phụ nữ vào vai trò chăm sóc nội trợ. Các thiết chế xã hội như nhà trường, gia đình, đoàn thể, truyền thông phải đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục để hình thành các quan niệm đúng về bình đẳng giới. Các chính sách xã hội cũng phải ghi nhận những đóng góp của phụ nữ và tạo điều kiện để giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, đồng thời thúc đẩy nam giới chia sẻ vai trò này. Xã hội phải dần dần được thiết kế lại để cả nam giới và phụ nữ đều có thể phát huy năng lực của mình đồng thời chia sẻ trách nhiệm chăm sóc trẻ em và người già, tái sản xuất sức lao động.

- Cảm ơn bà! 

Tin cùng chuyên mục