Họ đã sống như thế

90 bộ ảnh là 90 câu chuyện về 90 cảnh đời thiếu may mắn. Có anh bị di chứng sốt bại liệt thuở thiếu thời, có người bị thương tật trong chiến tranh, bị mất cả 2 chi sau một tai nạn, có các bạn bị khiếm thị từ thuở lọt lòng…
Họ đã sống như thế

90 bộ ảnh là 90 câu chuyện về 90 cảnh đời thiếu may mắn. Có anh bị di chứng sốt bại liệt thuở thiếu thời, có người bị thương tật trong chiến tranh, bị mất cả 2 chi sau một tai nạn, có các bạn bị khiếm thị từ thuở lọt lòng…

Cảm nhận tận cùng ý nghĩa của cuộc sống, bằng nghị lực phi thường, các anh, các chị đã đứng vững, vươn cao, sống lạc quan và giúp ích cho nhiều người chung quanh. Chiều 7-3-2010, trong buổi khai mạc triển lãm tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM, các nhân vật trong ảnh đã được dìu lên sân khấu cất cao tiếng hát yêu đời, trong tiếng vỗ tay cảm động, tán thưởng… Xem 90 phóng sự ảnh, người xem từ cảm xúc chia sẻ đã chuyển thành lòng ngưỡng mộ. Sau 2 năm ròng rã ra Bắc vào Nam để tìm gặp các nhân vật, thực hiện bộ ảnh triển lãm, tác giả Nguyễn Á thực sự vượt trên thành công của một cuộc triển lãm ảnh.

Hát cho đời

Chàng trai khiếm thị bẩm sinh Hà Chương (Quảng Ngãi) đến với âm nhạc như một lập trình sẵn của tiếng lòng.  Đi từ lớp nhạc truyền thống của Trường mù Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng), anh đã tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, Hà Chương (27 tuổi) đã “trình làng” 3 album: Món quà của sóng (2005), Khúc hát hai mươi (2007) và Tình yêu về hát (2009).

May áo cho mẹ bằng chân

Huỳnh Thị Sậm chào đời năm 1977 tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Chị bị liệt cả hai tay hai chân, khi mới lọt lòng, tất cả chỉ trông vào vài ngón chân còn cử động được. Tập viết bằng chân, bơi xuồng bằng chân, Sậm tự đến trường và cố gắng học hết lớp 12.

Được đón về Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM để học nghề, năm 2006, sau khi học lành nghề, Sậm được trung tâm nhận làm nhân viên thư viện.

Không có tay mà đời vẫn vui

Bẩm sinh không có hai tay nhưng Nguyễn Thị Hạnh (Thừa Thiên - Huế) vẫn biết làm những công việc như: chải đầu, đánh răng, xúc cơm ăn… bằng chân.

“Làm việc giỏi đến nỗi mình quên cô ấy tật nguyền”, đó là câu nói của bà con lối xóm khi giới thiệu về chị Hạnh với khách phương xa.

Một tay vẽ đời  bằng ảnh

Là một người lính, Bùi Đăng Thanh (Nam Định) trở về sau chiến tranh, anh gửi lại chiến trường một phần cánh tay phải, là thương binh 3/4.

Trở lại trường đại học, tốt nghiệp, đi làm, hơn 40 năm cầm máy, bản lĩnh Bùi Đăng Thanh đã cho ra đời những tác phẩm để đời trong sự nghiệp nhiếp ảnh của anh: Bến lở, Lối quê, Dệt mùa xuân, Giữ mạch thông tin, Vũ điệu mùa đay, Những đứa trẻ đồng quê…

  Huyền Thanh

Tin cùng chuyên mục