Họ đã sống trọn với nghề!

Những chiến binh áo trắng - họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì tính mạng, sức khỏe nhân dân. Sự hy sinh ấy góp phần làm nên kỳ tích khi dịch bệnh dần được kiểm soát, người dân đã bắt đầu có lại cuộc sống “bình thường mới”. 

Cố kìm nén những dòng nước mắt không để rơi khi theo dõi chương trình trực tuyến “Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19”, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 số 1 (38A Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7) cho biết, bản thân anh và đồng nghiệp đã tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau thương, mất mát vì dịch bệnh.

Nhiều gia đình đã không thể đoàn tụ cùng nhau sau đại dịch. Những mất mát, hoàn cảnh đau lòng ấy là ký ức khó phai mờ về giai đoạn quá khắc nghiệt của dịch Covid-19. “Lễ tưởng niệm hôm nay, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc khiến chúng ta sống chậm lại, để hồi tưởng về những ngày tháng đã cùng nhau trên trận tuyến chống lại đại dịch”, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui xúc động nói.

Để cứu chữa các bệnh nhân mắc Covid-19, không ít nhân viên y tế đã ngã xuống vì chính dịch bệnh này. Đợt dịch vừa qua, ngành y tế thành phố đã có 3 nhân viên y tế tử vong vì Covid-19, trong đó, 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng mất do lây nhiễm khi đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch, chăm sóc bệnh nhân và trường hợp còn lại mất do lây nhiễm cộng đồng.

Đó là trường hợp bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (60 tuổi, Trưởng trạm Y tế xã Phước Lộc thuộc Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè). Sau 40 năm công tác trong ngành y tế, trong đó có đến 38 năm gắn bó với Trạm Y tế xã Phước Lộc, ông luôn được người dân ở địa phương yêu mến. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, hình ảnh thân thương của ông đã trở thành cứu tinh của những người không may nhiễm bệnh.

Đến giữa tháng 7-2021 ông mắc Covid-19 phải chuyển đến bệnh viện điều trị. Sau đó, bệnh tình ông ngày càng trở nặng, hôn mê và được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Và phép màu đã không xảy ra, ông ra đi mãi mãi khi chỉ còn 3 tháng nữa sẽ nhận được quyết định nghỉ hưu.

Trường hợp người nữ điều dưỡng qua đời do lây nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân là chị Trần Thị Phương Hằng (42 tuổi, công tác tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhân dân Gia Định). Sau 18 năm luôn hết lòng vì người bệnh, khi dịch Covid-19 bùng phát chị đã không ngại khó khăn, tình nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc F0 tại khoa Hồi sức tích cực khi đơn vị này chuyển đổi công năng điều trị Covid-19.

Quá trình chăm sóc người bệnh, chị đã mắc Covid-19. Sau 12 ngày điều trị, điều dưỡng Hằng đủ điều kiện xuất viện và chị có nguyện vọng về nhà tiếp tục cách ly. Đồng nghiệp đưa chị về quê nhà, nhưng rồi sau khi gặp mẹ không lâu, chưa ai kịp mở lời, cuộc hội ngộ của nữ điều dưỡng và gia đình đột ngột bị cắt ngang bởi từng cơn thở dốc.

Chị Hằng trở nặng. Đồng nghiệp vội đưa chị đến Trung tâm Y tế Xuân Lộc (Đồng Nai) cấp cứu nhưng chị Hằng đã trút hơi thở cuối cùng. Chị ra đi, bỏ lại sau lưng cha mẹ già, 2 đứa con thơ và bao ước nguyện còn dang dở. Chị đã sống một cuộc đời trọn vẹn với nghề.

Những chiến binh áo trắng - họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì tính mạng, sức khỏe nhân dân. Sự hy sinh ấy góp phần làm nên kỳ tích khi dịch bệnh dần được kiểm soát, người dân đã bắt đầu có lại cuộc sống “bình thường mới”.

Cả lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng, người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào cao cả.

Tin cùng chuyên mục