Hỗ trợ không dễ!

Với chính sách hiện hành khó có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ, kể cả đối với 6 ngành ưu tiên (gồm: điện tử, ô tô, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng). Cũng khó có thể tạo ra liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản như chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1043/2013.

Nhận định trên được TS Vũ Đình Ánh nêu ra trong báo cáo tổng quan về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tại hội thảo về vấn đề này, được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội ngày 21-8. Công bằng mà nói, phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn nước ngoài luôn là thách thức thực sự, ngay cả với những quốc gia có tiềm lực tài chính và trình độ phát triển cao hơn Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, cho biết, qua tìm hiểu kinh nghiệm của 3 quốc gia trong khối ASEAN (Singapore, Malaysia và Thái Lan), có thể thấy chỉ có Singapore là thành công, với sự hỗ trợ thực sự hiệu quả từ Chính phủ. Đơn cử, ở khía cạnh tài chính, các doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ có thể được vay đến 15 triệu đô la Singapore; được hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị hoặc nhà máy (dĩ nhiên với lãi suất ưu đãi); cung cấp tài chính hỗ trợ chuyên gia sang làm việc (một phần lương của chuyên gia được hỗ trợ bởi chương trình)...

Malaysia khởi động chương trình tương tự vào năm 1988, chỉ sau Singapore 2 năm), bắt đầu với ngành công nghiệp ô tô, sau đó mở rộng với ngành điện, điện tử, vật liệu xây dựng và đóng tàu, nhưng kết quả không được như kỳ vọng. Cụ thể, các doanh nghiệp cung ứng nội địa của nước này chỉ có khả năng cung ứng sản phẩm trung gian công nghệ thấp. Sau 7 năm thực hiện, chỉ 18 doanh nghiệp ký kết được hợp đồng bán hàng cho các tập đoàn nước ngoài theo chương trình hỗ trợ. Tỷ lệ nội địa hóa sau 10 năm của ô tô là 30% và điện tử chỉ có 10%.

Ở Thái Lan, tình hình cũng không thực sự khả quan. Các hoạt động được cho là thành công chỉ bao gồm việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, các tour tham quan nhà máy giữa các nhà cung cấp - nhà sản xuất, tổ chức triển lãm để thúc đẩy ký kết các hợp đồng giữa nhà cung cấp nội địa với tập đoàn nước ngoài. Trong khi đó, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với tập đoàn nước ngoài yếu; cơ quan phát triển liên kết ngành cung cấp dịch vụ nhiều hơn là khuyến khích liên kết…

Tất nhiên, nói như vậy không phải để có lý do dựa dẫm, bao biện cho sự thiếu hiệu quả của công nghiệp hỗ trợ, mà để một lần nữa khẳng định mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, thiết kế các liên kết ngành, liên kết giữa các nhà cung cấp - nhà sản xuất… cần được kiên trì thực hiện với những giải pháp mạnh mẽ thực sự. Và phải nói rằng những giải pháp ấy đến nay vẫn chưa rõ; hoặc nếu đã có thì vẫn còn chưa đi vào thực tế!

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục