Hỗ trợ nội lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Năm 2017, TPHCM đã vượt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu; tuy nhiên, tỷ trọng nhập siêu vẫn còn cao. Vậy, giải pháp nào nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời giảm nhập siêu trong năm 2018? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, về vấn đề này. 
Hỗ trợ nội lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ảnh 1 Ông Phạm Thành Kiên
Phóng viên: Năm 2017, các doanh nghiệp TPHCM nhập siêu 7,75 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 21,8% trên kim ngạch xuất khẩu. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Ông Phạm Thành Kiên: Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM xuất qua cửa khẩu cả nước ước đạt 78,85 tỷ USD, tăng 14,69% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 35,55 tỷ USD, tăng 16,1%. Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 43,3 tỷ USD, tăng 13,55%. Như vậy, dựa vào những cơ sở trên cho thấy, doanh nghiệp thành phố nhập siêu 7,75 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 21,8% trên kim ngạch xuất khẩu. 
Nguyên nhân là do thành phố có vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hiện khối lượng luân chuyển hàng hóa của thành phố chiếm 72% vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và 19,4% cả nước. Ngoài việc phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp thành phố, lượng hàng nhập khẩu còn được chuyển về các tỉnh, thành lân cận để sản xuất phục vụ xuất khẩu và được tính vào kim ngạch xuất khẩu của các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Thực tế này cũng phù hợp xu thế dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ TPHCM ra các tỉnh, thành lân cận để tận dụng nguồn nguyên liệu, chi phí nhà xưởng, lao động rẻ hơn. 
Trong bối cảnh hiệp định thương mại tự do nói chung và ASEAN nói riêng có hiệu lực, các doanh nghiệp nội lo ngại không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập tràn vào. Ông nghĩ sao về vấn đề này? 
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tích cực tham gia đàm phán và ký kết các FTA đã mở rộng thị phần của hàng hóa Việt Nam và gia tăng năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu… Ngược lại, cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp 100% vốn trong nước.
Cụ thể, ở khía cạnh xuất khẩu, hàng hóa giữa các nước sẽ thâm nhập lẫn nhau, không còn rào cản hàng hóa, dịch vụ, vốn... đặc biệt hàng hóa ở các nước thành viên ASEAN sẽ có mức thuế ưu đãi như nhau. Khi đó, sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Nhưng với thiết bị và công nghệ hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu của các nước kể cả trong khối ASEAN.
Thị trường ASEAN vốn có mức tiêu dùng cao, không chuộng sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi ASEAN thực hiện tự do hóa thương mại với các đối tác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, EU... các sản phẩm có chất lượng cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, EU sẽ có nhiều thuận lợi khi thâm nhập thị trường ASEAN. Như vậy, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Riêng ở khía cạnh nhập khẩu, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0% - 5% theo ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Với mức giảm thuế sâu như vậy, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do ASEAN với nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... trong đó, đều đưa ra lộ trình thực hiện tự do hóa thương mại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nhập siêu của Việt Nam. 
Không chỉ vậy, nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu có xu hướng gia tăng khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Hệ quả là việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ (C/O) sẽ trở thành thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. 
Hỗ trợ nội lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ảnh 2 TPHCM tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ quảng bá thương hiệu hàng Việt với các doanh nghiệp nước ngoài
 Vậy theo ông, giải pháp nào có thể giúp doanh nghiệp nội trụ vững tại thị trường trong nước, cũng như gia tăng nội lực cạnh tranh tại thị trường nước ngoài? 
 Như cơ sở phân tích trên, tôi cho rằng không chỉ riêng TPHCM mà các bộ ngành liên quan cũng cần tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, góp phần hạn chế nhập khẩu thông qua đẩy mạnh sự liên kết vùng, khu vực và các tỉnh để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ và tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các FTA.
Mặt khác, gấp rút xây dựng hệ thống thông tin chi tiết, chuyên sâu về mặt hàng, thị trường, dịch vụ… trong các FTA để cung cấp, tư vấn thậm chí cảnh báo cho doanh nghiệp, hội ngành hàng trong hoạt động tìm kiếm thị trường, đối tác, pháp luật của các nước, thuế quan, rào cản thương mại… Cần tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong việc tiếp cận và cung cấp thông tin nhằm chuyển tải kịp thời tình hình thị trường, chính sách, biện pháp quản lý xuất, nhập khẩu, rào cản... Triệt để sử dụng hệ thống các cổng thông tin, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, thương vụ nước ngoài tại Việt Nam để quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp tới các đối tác nước ngoài nhanh nhất, với chi phí thấp nhất.
Không dừng lại đó, cần nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp trên cơ sở tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư theo thị trường, ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tới các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Theo đó, cần tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường mới, mặt hàng mới, thâm nhập các kênh phân phối, tham dự hội chợ, triển lãm... Song song đó, tăng cường hàng rào kỹ thuật, đặt ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, chất lượng để kiểm soát hàng ngoại nhập. 
Một vấn đề khác cũng cần phải tính đến là có hệ thống giáo dục hiện đại để tạo ra nguồn nhân lực đủ kỹ năng và năng lực cần thiết sẵn sàng làm việc. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực được đào tạo, chất lượng cao; hỗ trợ, tư vấn đổi mới cách thức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp.
Riêng Sở Công thương TPHCM đang phối hợp với Viện Chính sách công (thuộc Trường Đại học Kinh tế TPHCM) và các chuyên gia giảng dạy kinh tế thuộc Đại học Fulbright xây dựng đề án Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, dự kiến trình UBND TPHCM  trong quý 1-2018.
Theo đó, đề án sẽ dự báo cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu của thành phố trong bối cảnh mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế; xác định các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh và đề xuất chiến lược, hệ thống giải pháp ngắn, trung và dài hạn để phát triển lĩnh vực sản xuất. Trên cơ sở đó, sẽ đề xuất các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục