Chỉ trong ngày 16-12 đã dồn dập xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng làm nhiều người chết: lật thuyền tại huyện Tiền Hải (Thái Bình) làm 6 người chết; tai nạn giao thông tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) làm 6 người chết và 12 người bị thương; tai nạn giao thông trên đường tuần tra biên giới thuộc huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) làm 5 chiến sĩ hy sinh và 4 chiến sĩ bị thương. Sau những vụ tai nạn nghiêm trọng như vậy, một vấn đề cần quan tâm là phải hỗ trợ tâm lý cho người thân của các nạn nhân nhằm giảm bớt những cú sốc và hậu quả để lại. Đây là vấn đề mà ở nước ta đến nay vẫn chưa có những biện pháp cụ thể, thiết thực.
Người thân qua đời là một nỗi đau tinh thần rất lớn, điều này có thể để lại những hệ lụy khó lường nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ. Những vụ tai nạn thương tâm bao giờ cũng thường kéo theo những chấn thương tâm lý lâu dài đến người thân. Mọi khía cạnh của đời sống đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ai đó trong gia đình qua đời thì không khí tâm lý gia đình thường lạnh lẽo nhiều ngày, chất lượng công việc cũng kém hiệu quả. Đời sống cá nhân cũng thay đổi rõ rệt, tính cách những người vừa mất người thân thay đổi thất thường, ít giao tiếp, thậm chí không ít trường hợp bị cảm xúc tiêu cực lấn át, thiếu ý chí vươn lên và dẫn đến những hành vi tiêu cực, dẫn đến tự tử vì buồn chán khi họ không tìm được lối thoát. Đặc biệt, lứa tuổi thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất là trẻ em. Nếu bố mẹ mất sớm, các em sẽ khó tìm lại được sự cân bằng tâm lý, bởi các em chưa đủ kinh nghiệm cũng như lý trí để có thể sẵn sàng vượt qua mất mát đầu tiên trong đời. Nhiều trẻ bị ám ảnh tâm lý, có trẻ còn rơi vào trạng thái trầm cảm, sống cô đơn, dễ dẫn đến những hành vi khó kiểm soát, vi phạm pháp luật.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải hỗ trợ tâm lý để người thân của các nạn nhân nhanh chóng tìm lại sự cân bằng trong đời sống, điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong trường hợp trẻ em có bố mẹ tử vong, nhất thiết các em phải được sự hỗ trợ từ nhiều phía như ông bà nội ngoại, họ hàng, đội ngũ những thầy cô giáo; thậm chí cần cả sự trợ giúp của các chuyên gia trị liệu tâm lý để từng bước giúp các em vượt qua cú sốc, ổn định tinh thần và có thể hoạt động bình thường trong sinh hoạt, học tập, lao động. Đối với bố mẹ, vợ, chồng, ông bà, con cái lớn của nạn nhân, cũng cần phải chuẩn bị tốt tâm lý, không để tâm trạng tiêu cực kéo dài, dễ sinh ra chán nản, kéo theo những hệ lụy khó lường. Những chấn thương tinh thần sẽ nhanh chóng qua đi khi những người thân của các nạn nhân đều có được điểm tựa của cộng đồng và một tinh thần mạnh mẽ của cá nhân vươn lên, sẵn sàng đối mặt và sẵn sàng vượt qua những mất mát.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CÔNG
(Giảng viên tâm lý học ĐH Nguyễn Huệ)