Iraq

Hòa bình vẫn còn xa vời

Hòa bình vẫn còn xa vời

Tuần qua, tại một loạt các thành phố lớn của Iraq đã diễn ra những vụ náo loạn và biểu tình rầm rộ, ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử quốc hội được công bố. Có thái độ phản ứng quyết liệt nhất chính là cộng đồng người Sunni. Họ đã công khai tuyên bố có gian lận trong kết quả bầu cử để có lợi cho người Shiite và yêu cầu phải tổ chức bầu cử lại. Phía Shiite tất nhiên đã bác bỏ những lời buộc tội trên và yêu cầu bên kia phải chấp thuận kết quả bầu cử. Iraq đang đứng trước nguy cơ của một cuộc nội chiến đẫm máu mới…

  • Nghi vấn về kết quả bầu cử
Hòa bình vẫn còn xa vời ảnh 1

Những cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra tại một loạt thành phố ở Iraq phản đối kết quả bầu cử quốc hội.

“Điểm lặng” về những xung đột chính trị và các hành động khủng bố sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 15-12 đã kéo dài không lâu. Cuối tuần qua, trên các đường phố ở Baghdad, Falluja, Barbuk, Tikrit, Ramadi, Samarra, Mosul và nhiều thành phố khác của Iraq (là nơi sinh sống của đông đảo người Sunni), hàng ngàn người thuộc sắc tộc này đã đổ ra đường và hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo sự thao túng của người Shiite!”; “Yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử mới!”; “Không có người Sunni thì không có chính phủ!”.

Nguyên nhân của sự bất bình này bắt nguồn từ những kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử quốc hội dân chủ đầu tiên mới được công bố, theo đó cộng đồng người Sunni (là cộng đồng lớn thứ hai tại Iraq) đã đạt được một số ghế quá thấp.

Theo các kết quả sơ bộ (kết quả chính thức chỉ được công bố cuối tuần này), Liên minh Iraq thống nhất (UIA - United Iraqi Alliance, một liên minh do người Shiite đứng đầu đang điều hành chính phủ quá độ tại Iraq) đã giành được chiến thắng thuyết phục tại Baghdad và 9 tỉnh miền Nam đất nước. Theo ý kiến của người Sunni và tầng lớp người Shiite phi tôn giáo, “chiến thắng thuyết phục” này của UIA chỉ có thể đạt được bằng một cách duy nhất – đó là tận dụng những đặc quyền của chính phủ và những trò gian lận thông thường từ những kẻ đang nắm giữ những vị trí chủ chốt trong chính phủ Iraq.

Đa phần những lời phản đối và nghi vấn của những người biểu tình có liên quan đến chiến thắng của người Shiite tại Baghdad (nơi họ giành được 59 trong tổng số 275 ghế). Các đối thủ chính trị tại đây lập luận rằng, thủ đô Iraq là nơi sinh sống của một số lượng đáng kể người Sunni và những người ủng hộ các đảng Shiite phi tôn giáo, những thành phần chắc chắn sẽ không bỏ phiếu cho UIA. Do đó mà thắng lợi của liên minh này tại Baghdad chỉ có thể nhờ vào kết quả gian lận của Ủy ban bầu cử độc lập (IECI - Independent Electoral Commission of Iraq).

Trong tình hình căng thẳng như vậy, một tuyên bố chung của 35 phe phái chính trị đại diện cho các tầng lớp người Sunni và Shiite phi tôn giáo được công bố vào cuối tuần qua lại có tác dụng chẳng khác “đổ dầu vào lửa”. Nội dung chính của tuyên bố này là yêu cầu bãi bỏ kết quả cuộc bầu cử tháng 12 vừa rồi và tổ chức bầu cử lại.

  • Một cuộc nội chiến mới?

Với áp lực như vậy, tầng lớp người Shiite theo tôn giáo cũng tìm cách khẳng định kết quả bầu cử sơ bộ. họ không có ý định từ bỏ chiến thắng đã nắm trong tay. Ngay chủ nhật vừa qua, một loạt các cuộc biểu tình của những người Shiite tại các khu phố ở Baghdad đã diễn ra với yêu cầu phải công nhận kết quả bầu cử. “Ủy ban bầu cử độc lập là tổ chức duy nhất chịu trách nhiệm cho quá trình bầu cử. Không có cơ sở nào để phản đối kết quả bầu cử” – Javad al-Malik, đại diện của đảng Shiite “Ad-Dav” do đương kim thủ tướng Ibrahim al-Jaafari lãnh đạo, đã tuyên bố như vậy. Javad al-Malik còn nhận định, những trò phản đối của người Sunni không thể ngăn cản việc hình thành những cơ quan quyền lực mới của Iraq.

Cũng theo ông này, những phe phái chính trị giành thắng lợi trong cuộc bầu cử đã bắt đầu thương thảo về việc thành lập chính phủ. Dù chắc chắn đã giành được thắng lợi, nhưng cộng đồng người Shiite cũng chưa thể giành được đa số trong tổng số 275 ghế tại quốc hội. Abdul Aziz Hakim, người đứng đầu liên minh người Shiite đã tới thành phố Erbil (phía Bắc Iraq) để gặp gỡ với Masoud Barzani (thủ lĩnh đảng dân chủ của người Kurd – KDP) để bàn bạc về việc thành lập chính phủ mới. Ông Hakim cũng dự định sẽ gặp tổng thống Jalal Talabani, hiện đang đứng đầu PUK, một đảng phái lớn khác của người Kurd.

Theo kế hoạch, quốc hội đầu tiên (với nhiệm kỳ 4 năm) từ sau khi chế độ của Saddam Hussein bị sụp đổ sẽ được triệu tập vào tháng giêng năm 2006 dựa theo các kết quả bầu cử. Phiên họp này sẽ có nhiệm vụ thông qua thành phần chính phủ mới cho đất nước. Sau khi tẩy chay cuộc bầu cử tháng giêng năm nay để chọn ra một hội đồng chính phủ lâm thời, cộng đồng người Sunni đã quyết định đi bỏ phiếu vào ngày 15-12 vừa qua với hy vọng đạt được số lượng đáng kể các đại diện người Sunni trong các cơ quan đại diện mới của chính phủ.

Nhưng mọi chuyện đã diễn ra không đúng theo ý, khi số ghế các ứng cử viên của người Sunni nhận được còn thua cả các đại biểu của cộng đồng người Kurd. Một tin xấu nữa đã đến với họ vào tuần trước, khi tòa án đã ra phán quyết cấm 90 ứng cử viên thuộc cộng đồng Sunni tham gia vào quốc hội mới (trong trường hợp thắng cử) vì có mối liên hệ với đảng Baath của chính quyền cũ. Trong khi đó, bản thân cộng đồng này cũng đang có những dấu hiệu phân rã, không có khả năng điều hành thống nhất.

Điển hình rõ rệt nhất là hoạt động của các phe nhóm người Sunni cực đoan trong những ngày vừa qua. Những thông tin gần đây nhất từ Iraq đang khiến công luận phải hình dung về khả năng của một cuộc nội chiến không tuyên bố. Chỉ tính riêng trong chủ nhật qua, những vụ khủng bố diễn ra tại một loạt các địa phương trong nước đã khiến tổng cộng 18 người thiệt mạng, trong đó có hai lính Mỹ và 5 lính cận vệ quốc gia Iraq.

Các nhà quan sát còn cho biết, thời gian gần đây, đã có những dấu hiệu về những hoạt động tích cực của các thành phần vũ trang ủng hộ đảng cầm quyền “Baath” cũ. Tất cả những yếu tố này cho thấy, việc thành lập các cơ quan chính quyền mới tại Iraq vào đầu năm sau sẽ đặc biệt phức tạp, trong khi bản thân quốc gia này có thể lại sẽ lâm vào một cuộc nội chiến đẫm máu. Mong muốn về một đất nước Iraq ổn định và thống nhất vẫn đang chỉ là một giấc mơ xa vời!

LINH NGA (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục