Hòa dòng điện vào đô thị thông minh

27 năm trong nghề, làm nhiều công việc, từ leo lên cột điện đến chui xuống hầm cống để đưa dòng điện thắp sáng mọi nẻo đường, anh Huỳnh Hữu Phúc, Phó trưởng phòng kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 4, đã có hơn 15 sáng kiến để công việc ngày càng tốt hơn cũng như giúp anh em công nhân đỡ vất vả. 

Cải tiến để công nhân đỡ vất vã

10 giờ 30 phút, tại công trình đang thi công di dời tuyến cáp ngầm 220kV Nhà Bè - Tao Đàn để phục vụ xây dựng nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, nắng nóng hầm hập. Bên ngoài, dòng xe cộ đông đúc đang len qua con đường Nguyễn Thái Học (quận 1) nơi có lán trại thi công. Anh Phúc và công nhân vừa từ lòng đất lên, mồ hôi nhễ nhại.

“Dù điều kiện làm việc khắc nghiệt nhưng khắc phục sự cố nhanh, giữ được dòng điện luôn cháy sáng là niềm vui của chúng tôi”, anh Phúc cười hiền lành. Đặc thù của đường cáp là đi trong lòng đất nên việc di dời vô cùng phức tạp. Trong quá trình phối hợp các đơn vị để di dời đã phát sinh sự cố nứt vỏ cách điện đường cáp ngầm 220kV Nhà Bè - Tao Đàn tại hộp nối JP1 pha C (gần Ngã sáu Phù Đổng). Đây là đường dây cấp điện chính cho các phụ tải trung tâm quan trọng của TPHCM, do đó cần phải khôi phục nhanh nhất.

Sau khi quan sát sự cố, anh trăn trở và đưa ra 2 giải pháp trong 1 ngày để khắc phục: xây một hầm nối phụ hoặc thay đường cáp mới. Khi so sánh, anh và lãnh đạo công ty chọn giải pháp 2 để không cần xây hầm nối phụ khu vực hiện hữu đồng thời rút thời gian xử lý sự cố còn 10 ngày (thay vì 60-75 ngày) và ít gây cản trở giao thông. Nhờ sáng kiến này, dòng diện cung cấp cho trung tâm thành phố không bị ngắt và tiết kiệm được chi phí xây hầm nối trên 1 tỷ đồng.

Hòa dòng điện vào đô thị thông minh ảnh 1 Công việc của anh Huỳnh Hữu Phúc (đứng) và đồng nghiệp là phải giữ dòng điện luôn cháy sáng 

Trong một sáng kiến khác, khi thấy công nhân thi công ngay đầu cầu Kênh Tẻ (quận 4) vô cùng nguy hiểm, lại cản trở giao thông, anh Phúc đã đưa ra sáng kiến: Ngăn ngừa ngập nước, nhiễm ẩm các hầm cáp và đảm bảo an toàn khi thi công tại hầm cáp số 4 đường dây cáp ngầm 220kV Nhà Bè - Tao Đàn.

Bằng giải pháp này, anh Phúc đã di dời 2 hộp linkbox vào hầm nối cáp chính để giảm diện tích chiếm dụng mặt đường, không gây tắc nghẽn giao thông, nhất là tạo thuận lợi, an toàn cho công nhân khi sửa chữa, bảo trì, tránh hư hỏng hộp nối cáp. Giá trị làm lợi của sáng kiến hơn 5,7 tỷ đồng.

Anh Phúc chia sẻ, nghề nào cũng có vất vả riêng nên chuyện đêm không ngủ, đến bữa không kịp ăn cơm là bình thường. Bởi bản thân cũng từng là người trực tiếp làm việc trong điều kiện khó khăn nên anh rất thông cảm với công nhân. Chính vì hiểu những vất vả của anh em, nên hầu hết các sáng kiến của anh Phúc bên cạnh việc kịp thời giải quyết các sự cố thì luôn đảm bảo an toàn cho người thực hiện.

Xứng danh người thợ cả

33 năm trước, rời quê hương Bình Định vào TPHCM chọn học ngành điện (Trường Đại học Bách khoa), anh Phúc luôn nỗ lực với mong ước thay đổi cuộc sống. “Từ nhỏ tôi rất ngưỡng mộ bác thợ sửa tivi. Khi ấy cứ nghĩ làm sao ông ấy có thể hiểu hết được các mạch điện li ti. Rồi khi bước vào nghề điện, tôi lại có một đam mê mãnh liệt: phải hiểu thật rõ về đường đi của điện để mọi nẻo đường luôn được phát sáng. Để thực hiện, tôi đã tìm tòi, khám phá rồi mê dòng điện lúc nào không biết”, anh Phúc bộc bạch.

Trải qua nhiều vị trí công việc trong ngành điện với nhiều thăng trầm, niềm tự hào của anh Phúc là được tham gia vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam đầu tiên của đất nước cũng như nghiệm thu đóng điện vận hành nhiều đường dây 500kV khác để đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam, đặc biệt là TPHCM. Nhất là khi được giao phụ trách tuyến cáp ngầm 220kV Nhà Bè - Tao Đàn, anh càng thấy niềm vinh dự, tự hào khi được làm việc. Nhờ được tham gia học tập nâng cao trình độ, chuyên môn tại nhiều nước nên khi gặp khó khăn trong công việc, người kỹ sư điện ấy có đủ tự tin để xử lý.

Hiện anh Phúc và đồng nghiệp đang nghiên cứu các giải pháp để thực hiện quy trình tự động hóa nhằm giảm tối đa nhân lực khi hòa dòng điện vào thực hiện xây dựng đô thị thông minh. Cụ thể là các giải pháp chế tạo robot kiểm tra dọc theo tuyến dây dẫn hay thực hiện truyền tải nguồn điện tự động hóa để không còn người trực điều khiển các trạm biến áp.

Không chỉ giỏi chuyên môn, anh Phúc còn là người rất tích cực tham gia đào tạo thợ giỏi cho đơn vị cũng như biên soạn quy trình vận hành công nghệ mới. Theo ông Bùi Quang Thành, Chủ tịch công đoàn Công ty Truyền tải điện 4, ngoài đam mê nghề, sáng tạo trong công việc, anh Phúc còn là tấm gương truyền cảm hứng cho thợ trẻ. Từ sự chỉ dẫn nhiệt tình của anh, nhiều công nhân trở thành thợ giỏi và thăng tiến trong công việc.

Tin cùng chuyên mục