Hóa giải xung đột nhà trường - gia đình

Thời gian gần đây, mạng xã hội liên tục xuất hiện các vụ việc phụ huynh tố cáo nhà trường, trường học ứng xử không phù hợp với phụ huynh... Rạn nứt xuất hiện ngày càng nhiều trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, đặt ra câu hỏi làm sao để hóa giải các xung đột này.
Giáo viên Trường Mầm non 4 (quận 3, TPHCM) trong một hoạt động tương tác với trẻ
Giáo viên Trường Mầm non 4 (quận 3, TPHCM) trong một hoạt động tương tác với trẻ

Mâu thuẫn xuất phát từ nhu cầu cá nhân 

Nhiều phụ huynh có con học trường quốc tế thời gian gần đây cho biết, khi yêu cầu nhà trường trích xuất camera quan sát giờ học của con, bộ phận tuyển sinh ở hầu hết các trường bật chế độ “phòng vệ” bằng nhiều câu hỏi như phụ huynh chưa hài lòng về hoạt động gì của nhà trường, vì sao trẻ không trao đổi trực tiếp với giáo viên trước khi bố mẹ vào trường làm việc...

Trên thực tế, chuyên gia tư vấn đào tạo, cố vấn vận hành hệ thống Trường Mầm non - Tiểu học ICS (TP Thủ Đức, TPHCM) Đặng Tuyết Thương phân tích, đề nghị xem camera của phụ huynh không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh nghi ngờ chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong nhiều tình huống, phụ huynh muốn hiểu về mức độ hòa nhập của con ở trường hay giải tỏa lo lắng trước cảm xúc uể oải, không muốn đi học của con. Trường hợp khác, phụ huynh muốn thể hiện cái tôi cá nhân, yêu cầu nhà trường tôn trọng chứ không phải mâu thuẫn xuất phát từ một sự việc cụ thể. 

Giải thích rõ hơn, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nghiên cứu sinh chương trình Tiến sĩ Giáo dục, Đại học Illinois (Hoa Kỳ) cho rằng, những vụ việc đau lòng lan truyền trên mạng xã hội gần đây cho thấy, cả hai phía nhà trường và gia đình chưa có sự thấu hiểu. Khi xuất hiện mâu thuẫn, thay vì trao đổi, tìm hiểu để nắm bắt nhu cầu thực sự của nhau thì nhiều người lại sử dụng uy quyền hoặc tiền bạc để trấn áp phía còn lại. Sai lầm này khiến xung đột càng trở nên căng thẳng, có thể làm sai lệch thậm chí nghiêm trọng hơn mâu thuẫn ban đầu.

Ở góc độ nhà trường, ban tuyển sinh thường đặt câu hỏi vì sao cùng môi trường học tập, học sinh, phụ huynh này chấp nhận được, người khác lại phản ứng thái quá. Tương tự, phía gia đình, bố mẹ lại đặt câu hỏi vì sao cùng một đứa trẻ, giáo viên này hòa hợp được, thầy cô khác lại cho rằng em thiếu hợp tác, cá biệt.

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương nhận định, với cùng một chủ thể hay sự việc, mỗi người có mức độ chấp nhận hành vi khác nhau. Hành vi của một đứa trẻ có thể được giáo viên này thông cảm nhưng người khác lại không. Nghiêm trọng hơn, nhiều giáo viên do áp lực từ đánh giá của ban giám hiệu, sợ phụ huynh phản ứng dẫn đến tự mâu thuẫn giữa thái độ và suy nghĩ thực tế của bản thân.

Đơn cử, một học sinh được nhận xét trong sổ liên lạc “ngoan, học lực tốt” nhưng khi có vấn đề phát sinh với học sinh, giáo viên hành xử không đúng mực do định kiến trong suy nghĩ cá nhân. Có trường hợp giáo viên lúng túng về phương pháp giáo dục nên không dám la mắng, trách phạt học trò dẫn đến thái độ dễ dãi, hời hợt, nhu cầu phối hợp với gia đình bị ảnh hưởng.       

Đảm bảo quyền lợi của trẻ

Trước câu hỏi khi xuất hiện mâu thuẫn giữa nhà trường và gia đình, phụ huynh có nên chuyển trường cho con hay không, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương nêu suy nghĩ, trước tiên phụ huynh cần xác định đâu là mục tiêu giáo dục và các giá trị mình đang theo đuổi. Nếu mục tiêu giáo dục của gia đình và nhà trường trùng khớp, xung đột chỉ xuất hiện do cách thể hiện khác nhau thì nên cân nhắc được - mất nếu chọn giải pháp thay đổi môi trường học tập của con. Thực tế, việc chuyển trường không chỉ ảnh hưởng tâm lý mà còn làm gián đoạn các mối quan hệ, thói quen giao tiếp hàng ngày của con. Ngược lại, nếu thấy quyết định chuyển trường là cần thiết, bố mẹ cần chuẩn bị thật kỹ tâm lý cho con, xác định chuyển trường là một trong những trải nghiệm trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu giáo dục gia đình đang hướng đến. 

Đồng quan điểm, chuyên gia Đặng Tuyết Thương cho rằng, trường hợp gia đình và nhà trường không cùng tiếng nói thì đối tượng cần giải tỏa tâm lý đầu tiên là bố mẹ chứ không phải trẻ. Khi nhìn nhận chính xác vấn đề, bố mẹ sẽ thoải mái và bình tĩnh hơn để đưa ra quyết định phù hợp. Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, khi trẻ gặp các xung đột ở trường, bố mẹ cần xác định rõ vấn đề của con là gì, ai là người có khả năng tháo gỡ chứ không phải lúc nào cũng “ra mặt” giải quyết thay con.   

Ở góc độ giáo dục, TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, chia sẻ, người thầy dù giỏi đến đâu cũng không thể dạy thành công tất cả học sinh. Bởi dạy học là quá trình tương tác hai chiều, cùng phương pháp dạy học nhưng thành công hay không phụ thuộc khả năng tiếp nhận của mỗi em. Do đó, thầy cô giáo cần tránh ảo tưởng có sức mạnh giải quyết mọi vấn đề, thay vào đó học cách chấp nhận giới hạn của bản thân, tìm sự hợp tác của phụ huynh và học sinh.

Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, việc trở thành “sao” trên môi trường mạng như facebook, tiktok rất dễ thực hiện. Cái khó của người thầy là không thể kiểm soát tất cả suy nghĩ, hành động của học sinh.

Ngoài ra, cùng môi trường giáo dục, triết lý và mục tiêu giáo dục giống nhau nhưng mỗi giáo viên sẽ có cách thể hiện khác nhau do khác nhau về hoàn cảnh sống, tính cách. Thực tế đó đòi hỏi cả nhà trường và gia đình cần chia sẻ và thấu hiểu, tìm ra tiếng nói chung trong việc giáo dục học sinh.

Tin cùng chuyên mục