Hoa mai đây, màu phong bánh in đỏ nơi nào…

Mấy hôm nay trời bắt đầu đổ màu nắng hanh hanh. Em gái tôi gọi nói tết anh về nghe. Anh không về nhà vắng lắm. Như nhà mình vắng má. Như mùa xuân mà không có hoa mai vậy. Như hồi xưa nhà mình nghèo, tết không có phong bánh in bọc giấy kiếng đỏ chưng trên bàn thờ cúng ông bà, gia tổ phải không em?

Tôi nói tết anh về, rồi tắt điện thoại, nhìn ra cửa sổ. Mấy cây mai vàng ngoài sân lặt lá mới có dăm hôm mà nụ đã căng mẫm, lúm nhúm vàng, muốn nở.

Lại lẩm nhẩm, xa quê cũng nhiều năm rồi hở! Ờ, nhiều năm rồi! Tính ra thời gian tôi lập nghiệp ở xa đã nhiều hơn gấp rưỡi thời gian tôi gắn bó với quê nhà hồi nhỏ. Hồi đó tôi sống bên ngoại. Nhà ngoại tôi không có trồng kiểng trước sân, vì vậy mà mấy cây mai vàng cứ tung tăng mọc rải rác khắp vườn. Mà ngộ, không ai chăm sóc, không ai tưới nước, bón phân, mấy cây mai ấy cứ tự nhiên mọc, tự nhiên đơm cành trổ nhánh, rồi tự nhiên lớn lên, tự nhiên xanh. Tôi nhớ năm nẳm năm nào, rằm tháng chạp ngoại cũng nhắc lặt lá mai. Chúng tôi xúm lại, người bắt ghế, người trèo lên cây, kẻ đứng dưới đất hì hà hì hụi lặt lá. Vừa làm vừa trò chuyện. Tiếng nói, tiếng cười rôm rả, tiếng lá lao xao rớt vào trong ký ức không thể nào quên được.

Khoảng 28, 29 tết là người ta đi kiếm mai về để chưng bàn thờ. Ba tôi xách cái cưa thợ mộc chọn những nhánh mai đẹp, nhiều bông, cưa nhẹ nhàng cho bông không bị rụng. Những nhánh mai vừa cưa xuống được má tôi đem vào hơ lửa phần gốc ngay chỗ cắt. Hơ lửa ở gốc rồi mới chưng, mai sẽ lâu tàn, má tôi nói vậy. Má phân chia ra cho người này mấy nhánh, người kia mấy nhánh. Rồi sai tôi mang đi biếu. Bà con ruột rà, chòm xóm ai không có thì đến xin mang về chưng mấy ngày tết.

Hoa mai vàng và phong bánh in giấy kiếng màu đỏ là hai thứ không hề thiếu trên bàn thờ ông bà những ngày tết hồi xưa. Mặc dù hoa mai chưng hôm trước thì hôm sau đã thấy lác đác cánh rụng, nhưng nó là màu của tết, màu của sự may mắn, nên cho dù nó có rụng đầy nhà đi chăng nữa thì người ta vẫn thích, vẫn để y nguyên trong nhà mà không hề thấy phiền hà, không hề quét bỏ đi trong “ba ngày xuân bảy ngày xẹp”.

Bọn con nít chúng tôi hồi đó chỉ thích ngắm nghía phong bánh in bọc giấy kiếng màu đỏ thôi. Giây phút sung sướng nhất là chứng kiến cúng kiếu ông bà xong. Bánh in được mang xuống, bẻ ra chia đều cho từng đứa. Nhưng bánh in mà! Bẻ làm sao mà đều hết được, cho nên có đưa nhận miếng bánh lỡ nhỏ hơn một chút xíu là buồn tiu nghỉu. Buồn thoáng qua xíu rồi thôi, rồi lại xúm quanh thưởng thức bánh ngon lành. Cái vị ngọt của đường cát, vị the the của vỏ quýt, bùi bùi của hạt mè đen, nhâm nhi hoài không biết chán. Đâu có đứa nào dám ăn nhanh đâu. Đứa này cắn một miếng, nhìn đứa kia cắn nhiều hay ít. Nếu đứa kia cắn miếng nhỏ xíu thì đứa này sẽ cắn miếng nhỏ xíu hơn. Sợ ăn nhanh quá sẽ hết trước rồi đứng dòm miệng. Cái kiểu ăn trẻ nít hồi đó, giờ nhớ lại thương quá.

Sau khi ăn bánh xong, chúng tôi còn giữ lại miếng giấy kiếng đỏ để tối chơi đèn. Miếng giấy kiếng đỏ được chúng tôi bọc quanh cái bóng đèn bóng hồi xưa, loại đèn đốt bằng dầu, để làm chiếc đèn màu. Ánh sáng đỏ hắt ra từ chiếc đèn khiến ai nấy trở nên hồng hào, xinh đẹp hơn lên trong những câu chuyện ngày tết.

Trẻ con bây giờ sướng! Bánh trái có đủ thứ và quanh năm chẳng thiếu thứ gì nên chúng không có cái cảm giác thèm ăn bánh in mỗi độ tết đến xuân về. Đồ chơi thì quá nhiều nên đâu cần nghĩ ra cái trò quấn giấy kiếng vào chiếc đèn bóng để làm gì nữa. Rồi nhà nhà đều chơi kiểng, ai ai cũng trồng mai trước sân. Người ta lại quý mai, không ai cắt mai để chưng hay tặng ai nữa. Bởi người ta kiêng cữ. Mai là lộc, là may mắn nên không đem cho, và cũng không ai đi xin của ai phiền lòng.

Ngoại tôi. Ba tôi. Má tôi… Tất cả đã ngày xưa. Bây giờ, tôi vẫn hay kể cho con cháu nghe những câu chuyện, những phong tục về những cái tết hồi đó, về ông bà, cha mẹ chúng ta như là một cách để tụi nhỏ thêm yêu thương hơn người thân, thêm yêu thương hơn nguồn cội của mình.

Càng trôi gần về những ngày cuối năm, nắng càng trở nên đặc biệt. Vàng màu hoa mai. Đỏ màu giấy kiếng. Cái màu nắng không nóng, không cáu gắt như hồi giữa năm; không âm u, nhợt nhạt như tháng bão, tháng lụt. Cái màu nắng không ồn ào như những ngày mẹ cha vất vả ra đồng; không làm hiểm như những ngày mưa không chen vào được. Nó cứ chầm chậm hanh vào tôi, chầm chậm hanh lên từng luống cây vạt cỏ. Ai nhìn màu nắng ấy cũng man mác về cố hương, về quê nhà xa thẳm của mình. Tôi gọi đó là màu nỗi nhớ.

NGUYỄN THANH HẢI

Huyện Cái Bè – Tiền Giang

Tin cùng chuyên mục