Thơm ngon miếng bánh tét đầu đời

Nhà tôi từ miền Đông Bắc xa xôi chuyển đến vùng kinh tế mới thuộc tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương, Bình Phước) vào dịp Tết năm 1990. Năm ấy, dù còn nhỏ nhưng tôi đã có những ký ức không thể nào quên về cái tết đầu tiên xa quê, bên những người hàng xóm xa lạ.

Khu vực gia đình tôi chọn lập nghiệp thời đó rất hoang sơ, đất đai khô cằn, xung quanh bạt ngàn cây cỏ. Cả xóm nhỏ chỉ lác đác những căn nhà tranh đếm được trên đầu ngón tay và đặc điểm chung là nhà ai cũng nghèo. Ấn tượng đầu tiên của tôi với những người hàng xóm là giọng nói vùng miền khác nhau. Nhiều người trong xóm được gọi tên theo số thứ tự như bác Mười, bà Chín, chú Bảy, chú Tám, bác Ba, chú Sáu, …một số người thì ngoài số thứ tự còn kèm theo tên thật để phân biệt với người khác.

Những ngày cận tết nên ba mẹ và các anh tôi đều hối hả tìm chỗ phát quang, chặt cây chẻ lạt, cắt cỏ tranh để dựng nhà. Nhờ người quen và một số người hàng xóm giúp đỡ, chúng tôi cũng sớm có căn nhà tranh, vách lồ ô rộng hơn 30m² để ở. Gọi là nhà cho đúng nhưng thực chất chẳng khác nào một căn chòi tạm bợ, bên trong chẳng có gì đáng giá ngoài vài cái nồi niêu, xong chảo, chén bát mang lỉnh kỉnh từ quê vào.

Trưa 30 tết ba tôi lặn lội đi bộ hàng chục cây số mua được vài kilogam gạo, vài lạng thịt ba chỉ, một cây bắp cải và bịch kẹo thèo lèo để làm bữa cơm đạm bạc cúng tất niên. Anh em tôi cũng không nói lời nào và cũng không đòi mua thêm bất cứ gì vì chúng tôi hiểu rằng ba mẹ đã rất cố gắng để con cái có một bữa cơm đón giao thừa. Hai anh của tôi đi đến khe suối gánh mấy xô nước về để dùng rồi cùng mẹ thu dọn chỗ ở, cào cỏ, gom củi thành đống trước nhà để đốt vào buổi tối. Cả nhà ai làm việc nấy không nói với nhau một lời và thời gian trôi qua thật chậm, có lúc dường như lắng lại. Cảm giác tủi tủi, đơn độc len lỏi vào tâm trí tôi trong lần đầu đón tết nơi đất khách.

Buổi chiều, một đoàn xe bò chở gỗ đi qua trước nhà làm không khí huyên náo hơn. Những người phu xe bò chào hỏi, nói chuyện vài câu, cho chúng tôi vài viên kẹo rồi hối hả giục xe rời đi. Đến khi trời chiều chạng vạng nhà tôi bất ngờ đón ba vị “khách” - đó là những đứa trẻ trạc tuổi tôi. Trong đó hai đứa con bác Mười mang theo hai cái bánh dài gói bằng lá chuối to hơn cổ chân (sau này tôi mới biết tên là bánh tét). Còn một đứa trẻ con nhà chú Tám mang qua nhà tôi một tô chè lớn cùng một chục cái bánh gọi là bánh ít.

Ba tôi nhanh chóng đặt những món quà của hàng xóm lên bàn thờ, nhờ vậy bàn thờ tổ tiên bớt trống trải, và thêm phần ấm cúng hơn. Trong lúc thắp nhang, tôi chưa bao giờ thấy ba tôi đứng trước bàn thờ lâu như thế. Ba như đứng bất động, mắt nhắm nghiền, còn miệng thì lầm bầm cầu khấn. Mặc dù không nghe rõ nhưng tôi hiểu rằng ba đang cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, vượt qua giai đoạn khó khăn và có cuộc sống ổn định trên vùng đất mới.

Chờ nén nhang tàn xong, mẹ tôi mới lấy một đòn bánh tét xuống, cẩn thận lột từng lớp lá chuối ra rồi lấy cọng lạt gói bánh cắt bánh ra thành từng khoanh chia cho các con. Sự tò mò về loại bánh lạ lẫm này cũng dần được tỏ, khi biết bánh được gói bằng nếp, đậu xanh, thịt mỡ như nguyên liệu gói bánh chưng quê tôi. Lúc đưa vào miệng ăn thì hương vị của nó ngon khó tả, tôi cảm nhận được vị béo của thịt mỡ, vị bùi bùi của đậu xanh, vị ngọt ngọt mềm mềm dẻo dẻo của nếp... Miếng bánh tét đầu đời ấy có hương vị khó tả, cảm giác rất ngon, khác hoàn toàn so với loại bánh chưng mà tôi thường ăn. Sau này tôi mới hiểu ra rằng thời ấy cuộc sống khó khăn, cái ăn cái mặc không đủ nên ngoài cảm giác ngon của vị giác thì vấn đề tinh thần, sự ấm áp sẻ chia của những người hàng xóm xa lạ cũng khiến cho miếng bánh tét đầu đời của tôi trở nên ngon hơn nhiều món sơn hào hải vị.

Thấm thoát mấy chục năm trôi qua, những người hàng xóm ngày xưa có người đã mất, có người chuyển đi nơi khác sinh sống, quê hương thứ hai của tôi nhiều thay đổi. Nhưng cứ rồi mỗi lần tết đến, về lại vùng quê với con đường đất đỏ, cây cối bạt ngàn tôi lại bồi hồi nhớ cái tết xưa. Ở đó có những mái nhà tranh, có những con người lam lũ xa lạ nhưng tràn đầy tình yêu thương. Năm này qua năm khác, nhà tôi ngoài có bánh chưng của miền Bắc, mẹ tôi còn gói thêm mấy đòn bánh tét của miền Nam. Ăn uống không được bao nhiêu nhưng mẹ vẫn thích gói bánh như để nhắc chúng tôi phải luôn nhớ về truyền thống ngày tết, nhớ về cái tết xưa trên vùng đất mới.

NGUYỄN HỮU

Đồng Phú, Bình Phước

Tin cùng chuyên mục