Hoa mắt với thị trường phụ gia thực phẩm

Trong sản xuất thực phẩm, không thể thiếu phụ gia nên để đảm bảo độ an toàn, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, hiện pháp luật Việt Nam đã có quy định về điều kiện kinh doanh, sản xuất và sử dụng đối với các loại hóa chất, phụ gia này.

Tuy nhiên, thị trường sản xuất, buôn bán các chất phụ gia ở Việt Nam lại gần như đang thả nổi, chưa kể nguồn khổng lồ nhập lậu từ Trung Quốc.

Các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm bày bán công khai
tại phố Hàng Buồm, Hà Nội
 Hàng lậu công khai


Theo khảo sát của phóng viên Báo SGGP tại thị trường Hà Nội, để mua các loại phụ gia như hàn the làm giò chả, các chất bảo quản bún - bánh phở (giúp giòn và để được lâu hơn), rồi các chất tạo màu khi làm bánh, nước chấm, bột ớt… thì chỉ cần ra các chợ lớn như Đồng Xuân, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Hàng Da hoặc phố cổ Hàng Buồm… thì muốn mua bao nhiêu cũng có. Tại phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm - Hà Nội), phụ gia bán cho các chủ cơ sở chuyên làm bánh trung thu, thạch, nước cam; phẩm màu để quay thịt heo, vịt, làm thịt bò khô… được đóng trong can, chai lọ, bịch ni lông… mà không hề có bất cứ nhãn mác in ấn rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ nào, ngoại trừ những dòng chữ viết tay nguệch ngoạc. Chỉ cần bỏ ra 20.000 - 25.000 đồng là có thể mua được một gói phụ gia để làm ra hàng trăm lít rượu, nước cam, tương ớt...

Thậm chí hiện nay, phụ gia còn được rao bán công khai trên mạng, nhìn hoa cả mắt, không biết đâu là thật - giả. Trong trường hợp là phụ gia thật, nếu chủ cơ sở sản xuất thực phẩm vì hám lợi, cố tình sử dụng quá liều lượng cũng sẽ âm thầm giết chết người tiêu dùng. Tại chợ Thành Công, Hà Nội, phóng viên đã không quá khó khăn để mua được một gói đường hóa học dạng viên của Trung Quốc, giá chỉ từ 20.000 đồng/lạng dù đây là phụ gia bị cấm dùng trong thực phẩm nhưng vì lợi nhuận mà nhiều người vẫn nhập về để bán.

Lần theo “lý lịch” của những kho phụ gia thực phẩm đang bày bán ở Hà Nội, chúng tôi được biết, chỉ một phần được sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu từ Trung Quốc qua Lạng Sơn và Móng Cái, thậm chí còn đưa sâu vào tận TPHCM. Tại chợ Đông Kinh ở TP Lạng Sơn, từ những quầy bán rong ở cổng chợ đến các kios nằm trong chợ, khi chúng tôi tới khảo sát, thấy bày la liệt các loại hóa chất, phụ gia do Trung Quốc sản xuất, còn nguyên chữ Trung Quốc. Tìm hiểu thì được biết, có những chất Việt Nam cấm nên các đầu nậu xách tay, nhập lậu vào nội địa để bán, vì nhu cầu rất lớn nên bán chạy và có lãi.

Tại cửa khẩu Móng Cái, từ lâu nơi đây đã được coi là điểm nóng về nhập lậu, trung chuyển các loại phụ gia, hóa chất vào Việt Nam. Trong những năm qua, các lực lượng chức năng của TP Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh đã thu giữ và xử lý hàng ngàn tấn chất phụ gia thực phẩm Trung Quốc không rõ nguồn gốc tuồn vào nội địa. Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong đó có những chất phụ gia mới, nhiều chất phụ gia, hương liệu có độ độc cao, chuyên dùng để tẩm ướp thực phẩm đã phân hủy thành thực phẩm tươi sống, tẩy mùi thối, giữ màu; các loại hương liệu dùng để sản xuất nước mắm, nước chấm, pha chế đồ uống giải khát và đồ uống có cồn. Thậm chí xuất hiện cả bột tăng cân cho trẻ em, không hạn sử dụng. Có vụ, cơ quan chức năng bắt được hàng ngàn gói gia vị để nấu lẩu nhập lậu từ Trung Quốc.

Thực ra những lô phụ gia độc hại bị bắt giữ chỉ là phần nổi của tảng băng, đã có rất nhiều loại phụ gia tràn sâu vào nội địa, sau đó bày bán công khai. Việc xử lý khó khăn bởi có những loại phụ gia có trọng lượng nhỏ, không màu, không mùi. Thậm chí, một số loại như chất tạo ngọt, bảo quản, chất béo tổng hợp, làm tăng mùi vị… sau khi nhập vào nội địa đã bị đổi tên, nên cơ quan chức năng phải giám định, mất nhiều thời gian và tốn kém mới có thể xử lý được đối tượng vi phạm.

Tất cả phụ gia đều ảnh hưởng sức khỏe

Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, bao gồm 337 chất (bao gồm cả hương liệu). Tuy nhiên, chỉ 5%-10% sản lượng được sản xuất tại Việt Nam, còn lại là nhập khẩu, trong đó có 30% phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những chất phụ gia nhập lậu, bày bán trôi nổi đang là thủ phạm đe dọa tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Trước tình trạng sử dụng tràn lan hóa chất, phụ gia trong việc chế biến thực phẩm, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, hiện nay có nhiều hóa chất, phụ gia với độc tính khác nhau đối với cơ thể, mỗi chất có một biểu hiện khác nhau. Song thực tế đã có nhiều bệnh nhân bị ngộ độc cấp tính do sử dụng thực phẩm chứa phụ gia độc hại. Còn theo Viện Kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia, qua giám sát các vụ ngộ độc thực phẩm thì có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ngộ độc, trong đó nguyên nhân do vi sinh vật chiếm hơn 33%, nguyên nhân do độc tố 25,2%, hóa chất 10,4% và 31% không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên đáng lo ngại là việc sử dụng phụ gia không đúng quy định gây nguy hại cho sức khỏe ở nước ta còn phổ biến, rất khó kiểm soát.

TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, nhận định, nói chất phụ gia không độc thì không đúng, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu phải tìm cách hạn chế lượng chất đi vào cơ thể, bởi không phải được dùng là dùng vô tội vạ. Người tiêu dùng cũng nên ý thức rõ và tránh sử dụng liên tục bất kỳ loại thực phẩm nào chứa phụ gia trong thời gian dài.


KHÓ KIỂM SOÁT THỰC PHẨM TRỘN HÓA CHẤT

Ghi nhanh trong ngày 9-4 tại một số chợ truyền thống, chợ tạm, cửa hàng, quán ăn thuộc khu vực vùng ven TPHCM (huyện Hóc Môn, quận 12…), cho thấy việc thực phẩm bị ngâm tẩm hóa chất “làm đẹp” diễn ra phổ biến. Mặc dù người dân đã ý thức hơn trong việc tiêu dùng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn, nhưng việc sống giữa “rừng” thực phẩm tẩm ướp hóa chất khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn được hàng hóa đủ chuẩn.
Trong vai khách hàng, chúng tôi ghé một tiệm tạp hóa trên đường Đông Bắc (quận 12). Tại đây bày bán khá nhiều dừa tươi nguyên trái, hoặc dừa đã gọt vỏ, trắng phau. Gọi nhanh một trái dừa tươi nguyên vỏ uống tại chỗ, giá 15.000 đồng/trái, người bán hàng nói thẳng, uống dừa chưa gọt vỏ vừa tươi, vừa ngon lại an toàn. “Chẳng giấu gì chị, dừa gọt vỏ, trông trắng đẹp là thế nhưng uống có vị hơi chát, không ngon, bởi phải dùng chất tẩy trắng. Nếu gọt mà không ngâm chất tẩy nhựa, trái xỉn màu không bán được”, người bán hàng nói. Cách đó vài cửa hàng, một điểm bán khác gồm rau tươi, thịt cá các loại cũng nườm nượp khách mua vì nằm sát đường Đông Bắc (quận 12). Chị T., một khách quen của cửa hàng này hỏi mua 1kg bắp chuối và rau muống bào sẵn, tươi ngon, nhưng chủ cửa hàng rỉ tai nói nhỏ: “Hàng về nhiều, khách mua gần hết, chỉ còn hơn 2kg, nhưng tôi không bán cho chị. Món này bữa nay bên giao hàng ngâm chất tẩy trắng nhiều. Nhà có con nhỏ đừng mua”. 
Theo anh Nguyễn Phố, tiểu thương chuyên kinh doanh rau quả, ngụ tại đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) chia sẻ, người mua dễ nhầm lẫn, còn người bán rất khó nhầm vì họ biết mặt hàng của mình ra sao. Nói thật, các loại rau củ quả bày bán trên thị trường kiểu gì cũng dính hóa chất, ví dụ như: tẩy trắng bắp chuối, ngâm hóa chất giúp rau muống tươi xanh, giòn hơn… Thực ra, các tiểu thương ngâm trước ở nhà nên muốn kiểm soát cũng khó. Không chỉ những điểm bán rau củ quả tươi, tại một số nhà hàng, quán ăn nhỏ lẻ, việc sử dụng phụ gia, hóa chất bất chấp nguy hại đến sức khỏe người dùng diễn ra vô tội vạ. Ghi nhận tại một quán ăn không tên thuộc khu vực cầu Ông Lớn (đường Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn). Các khúc xương heo lớn sau khi đun khoảng 1 tiếng đồng hồ dễ dàng nhừ rục bởi hóa chất làm mềm bán nhiều ở chợ Kim Biên (quận 5). Thông tin này được chính bà chủ quán chia sẻ khi chúng tôi hỏi bí quyết hầm xương heo, xương bò sao cho mau nhừ. “Bỏ khoảng 1 muỗng bột làm nhừ đun chung với nồi xương. Chưa đầy 1 tiếng sau, xương nào cũng mềm hết. Giá mỗi hũ bột làm nhừ cũng rẻ lắm, chưa đến 100.000 đồng mà có thể dùng được hàng chục lần, bán đầy ở chợ Kim Biên”, bà chủ quán nói.
Trao đổi với PV Báo SGGP chiều cùng ngày, đại diện các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm lớn trên địa bàn TPHCM (chợ Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức)… đều khẳng định sản phẩm về chợ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng. Tuy vậy, lãnh đạo các chợ này cũng thừa nhận rằng, khâu trung chuyển từ chợ đầu mối đến các chợ lẻ chính là điểm sơ hở, khó giám sát nhất, vì đâu biết bà con sẽ tẩm ướp, trà trộn những gì vào thực phẩm. Chính vì thế mới có chuyện, các chợ truyền thống có tiếng ở TPHCM như chợ Bến Thành (quận 1), chợ An Đông (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6)… phải liên tục thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo bà con kinh doanh trung thực, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng thỉnh thoảng vẫn phát hiện sai phạm. Một cán bộ Cục Quản lý thị trường TPHCM cho rằng, trên thực tế các cơ quan chuyên trách chỉ tập trung kiểm tra những nhà hàng, quán ăn tên tuổi, nhưng lại buông lỏng giám sát các nhà hàng, quán ăn nhỏ lẻ, trong khi đây mới là nơi dễ để xảy ra sai phạm.
THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục