Từ cuối năm 2010 đến nay, tại huyện miền núi Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) liên tiếp xảy ra hiện tượng rung chấn địa chất. Trong tháng 11 này, tại đây xảy ra liên tiếp 4 vụ rung chấn địa chấn. Mới nhất vào đêm 27-11, một cơn rung chấn mạnh làm ngã đổ vật dụng trong gia đình, gây nứt nhà… khiến người dân các xã ở huyện Bắc Trà My hoang mang, nhất là địa điểm xảy ra rung chấn địa chất có hồ thủy điện Sông Tranh 2, một trong những hồ chứa thủy điện lớn nhất Quảng Nam.
Trong khi đó, qua báo chí, nhiều nhà khoa học đưa ra nhận định khác nhau về hiện tượng rung chấn tại Bắc Trà My, như động đất kích thích do tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2, động đất tự nhiên do địa lý trên vùng đứt gãy. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có ý kiến chính thức nào của cơ quan có thẩm quyền về hiện tượng này, đã làm người dân sống trong âu lo.
Người dân lo lắng. Chính quyền ngơ ngác. Chủ công trình thủy điện Sông Tranh 2 im lặng. Báo chí đưa tin loạn xạ với nhiều suy đoán, ý kiến cá nhân của một số nhà nghiên cứu địa chất theo kiểu chẩn đoán từ xa... càng khiến người dân lo lắng. Thậm chí, khi hiện tượng rung chấn xảy ra, báo chí đưa tin ầm ầm. Sau đó một nhà khoa học tại một trạm dự báo động đất tại miền Trung cho rằng “Do động đất dưới 3,5 độ richter nên không báo cáo với Viện Vật lý địa cầu”, càng khiến người dân sống trong vùng rung chấn ngờ vực, đặt câu hỏi: “Không báo cáo hay… không biết?”.
Viện Vật lý địa cầu chưa đưa ra một ý kiến chính thức nào để dân biết mà… liệu thân?! Vì thế, đến nay không chỉ hàng ngàn người dân sống gần khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 mà hàng chục ngàn người dân vùng hạ du sông Thu Bồn cũng lo, vì sinh mạng mình đang bị treo lửng lơ trước nghi vấn: Liệu hồ thủy điện Sông Tranh có bị vỡ do động đất? Nếu có động đất gây vỡ đập nước, người dân có kịp nhận tin cảnh báo của các cơ quan thẩm quyền… trước khi bị nước nhấn chìm như chuyện thủy điện xả lũ đã từng xảy ra?
Mãi đến ngày 28-11, ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, mới có văn bản chính thức về vấn đề này nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc… đề nghị Bộ KH-CN, Viện KH-CN Việt Nam thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra hiện tượng nổ trong lòng đất gây ra rung chấn.
Theo văn bản này, từ cuối năm 2010 đến nay, tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, thị trấn Trà My, Trà Sơn, Trà Dương, Trà Bui và các vùng lân cận trên địa bàn huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) liên tiếp xảy ra tiếng nổ lạ vào đêm khuya làm rung chuyển một số điểm ở các khu vực nêu trên. Từ tháng 1-2011 có những rung chấn nhẹ, đến tháng 6-2011 rung chấn bắt đầu mạnh dần, đặc biệt tối 16-11 đến rạng sáng 17-11 liên tiếp phát ra nhiều tiếng nổ lạ từ trong lòng đất. Mức độ tiếng nổ nhiều hơn, lớn hơn, độ rung chuyển mạnh hơn và diễn ra nhiều lần hơn, làm vật dụng gia đình một số hộ dân bị đổ ngã. Theo phản ánh của người dân tại xã Trà Đốc, một số nhà bị rạn nứt sau khi có hiện tượng trên.
Động đất là hiện tượng phổ biến tại một số quốc gia trên thế giới, nhưng với người dân Việt Nam động đất là hiện tượng rất mới. Vì thế, khi xảy ra động đất, dù chỉ vài độ richter, nhưng cũng đủ làm người dân hoang mang. Việt Nam đến nay đã có Viện Vật lý địa cầu với nhiều trạm dự báo động đất… nhưng vai trò và trách nhiệm của viện này đối với hiện tượng rung chấn địa chất tại Bắc Trà My thời gian qua không thể hiện rõ.
Nguyên Khôi