Hoàng tử nhỏ thổi làn gió mát vào đất nước hoa anh đào

Hoàng tử nhỏ
Hoàng tử nhỏ thổi làn gió mát vào đất nước hoa anh đào

Nước Nhật đang hết sức hồ hởi trước sự chào đời của hoàng tử nhỏ, bé trai đầu tiên được sinh ra trong Hoàng gia Nhật tính từ năm 1965 đến nay. Sự kiện này được ví như một cơn gió mát lành thổi qua đất nước hoa anh đào, làm dịu hẳn những tranh cãi trên chính trường lâu nay về người kế vị ngai vàng, đồng thời đem lại nguồn sinh khí mới cho nền kinh tế và xã hội Nhật Bản.

  • Cơn gió mát làm dịu chính trường

Hoàng tử nhỏ thổi làn gió mát vào đất nước hoa anh đào ảnh 1
Vợ chồng Hoàng tử Akishino - Kiko, thân sinh của cậu bé có thể là Nhật hoàng trong tương lai.

Trong hơn 4 thập kỷ qua, kể từ khi Hoàng tử Akishino ra đời, Hoàng gia Nhật Bản không có thêm một hoàng tử nào nữa.

Cơn khủng hoảng người kế vị lên cao khi các cháu của Nhật hoàng Akihito đều là cháu gái. Thái tử Naruhito và Công nương Masako chỉ có duy nhất con gái Aiko. Vợ chồng hoàng tử Akishino - Kiko của nước Nhật cũng chỉ có 2 con gái.

Nhưng Luật hoàng tộc không cho phép truyền ngai cho nữ giới. Tình hình ngày càng trầm trọng khi Công nương Masako bị stress nặng nên khó có thể sinh thêm con.

Hoàn cảnh này khiến Thủ tướng Junichiro Koizumi phải đề xuất sửa luật vào năm ngoái, để cho phụ nữ kế vị. Các cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy hơn hai phần ba dân chúng Nhật chấp nhận việc phụ nữ lên ngai vàng. Nhiều người muốn con gái của thái tử trở thành nữ hoàng như ở nước Anh. Tuy phần đông dân chúng ủng hộ, nhưng thủ tướng gặp phải sự chống đối quyết liệt của những nhân vật bảo thủ trong chính đảng của mình và phe đối lập.

Vào lúc cuộc tranh cãi lên đến cao trào và nổ ra những trận khẩu chiến giữa các ông nghị thì có tin Công nương Kiko mang thai. Cả nước Nhật hồi hộp chờ đợi…

Sáng ngày 6-9-2006, Công nương Kiko hạ sinh một bé trai. Hoàng gia Nhật Bản đã có hoàng nam sau 41 năm chờ đợi. Chính giới Nhật Bản, cả đảng cầm quyền lẫn các phe phái đối lập đều đồng thanh chúc mừng hoàng gia.

Thủ tướng Koizumi nhận xét, vấn đề phụ nữ kế vị ngai vàng không quá bức bách nữa. Chánh Văn phòng Nội các Shinzo Abe thì bình luận “Thật dễ chịu như bầu trời thu quang đãng”. Ngoại trưởng Taro Aso, nhân vật thuộc phe bảo thủ, nói rằng hoàng nam ra đời có nghĩa là cuộc tranh cãi về vấn đề kế vị sẽ không diễn ra trong vòng ít nhất là 40 năm tới.

  • Luồng sinh khí mới cho nền kinh tế

Hoàng tử chào đời không chỉ làm dịu mát chính trường mà còn thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế đất nước hoa anh đào. Viện nghiên cứu Dai-ichi cho rằng đây sẽ là một cú hích đẩy nền kinh tế tăng thêm 150 tỷ yen. Ước tính này dựa trên các dữ liệu liên quan đến sự kiện công nương Masako hạ sinh công chúa Aiko hồi năm 2001.

Lúc đó, kinh tế Nhật Bản đã tăng thêm khoảng 100 tỷ USD nhờ vào sự bùng nổ các đám cưới và số lượng trẻ em ra đời. Sau khi tính toán biến động thời giá 2001 và 2006, Viện Dai-ichi đã hoan hỷ đưa ra con số 150 tỷ yen nói trên. Minh chứng rõ nhất cho ước đoán này là cổ phiếu của các công ty kinh doanh đồ trẻ em đã đồng loạt tăng giá.

  • Tên của hoàng tử sẽ thành “mốt” cho tên các bé trai

Hoàng tử nhỏ còn có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội của dân chúng. Người ta dự đoán tên của hoàng tử sẽ trở thành “mốt” cho tên các bé trai xứ mặt trời mọc. Theo truyền thống, lễ đặt tên Meimei no Gi được tổ chức khi hoàng tử được 7 ngày tuổi.

Luật hoàng tộc quy định rõ cách thức đặt tên cho dòng dõi hoàng gia. Tên của đứa bé, cha mẹ bé, ngày sinh tháng đẻ, nơi sinh và ngày làm lễ đặt tên đều được ghi chép kỹ càng bằng bút lông cổ truyền vào gia phả hoàng tộc (Kozokufu). Bản gốc được cất giữ cẩn thận trong hoàng cung, và 1 bản sao sẽ được gởi tới Bộ Tư pháp lưu trữ.

Hoàng tử nhỏ thổi làn gió mát vào đất nước hoa anh đào ảnh 2
Những bà mẹ xứ Mặt trời mọc cùng các con nhỏ gởi lời chúc phúc đến mẹ con Công nương Kiko.

Hoàng tộc thường thêm từ “hito” (Hán tự là chữ Nhân, mang nghĩa nhân đức) vào cuối tên của bé trai, và “ko” (chữ Tử, chỉ người phụ nữ cao quý) vào tên của bé gái. Truyền thống này bắt đầu từ thời Thiên hoàng Seiwa năm 858 và được duy trì đến tận ngày nay với rất ít ngoại lệ. Dựa theo đó, Nhật hoàng sẽ đặt tên cho dòng cháu đích tôn (con của thái tử). Hoàng tử nhỏ không phải thuộc dòng đích tôn nên cha mẹ bé, tức là vợ chồng Hoàng tử Akishino - Công nương Kiko, được tự do quyết định. Và họ đã chọn tên Hisahito.

Tên của hoàng tử nhỏ được cho là sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ Nhật, do các bậc cha mẹ xứ hoa anh đào sẽ đua nhau đặt tên con theo tên của cậu bé. Năm 1960, khi Thái tử Naruhito chào đời với tên thường gọi là Hiro, thì 4 trong số 10 cái tên phổ biến nhất được đặt cho các bé trai sinh năm đó đều có thành tố “hiro”, thông dụng nhất là “Hiroshi”. Rồi sau khi con gái của Thái tử Naruhito được đặt tên là Aiko thì từ “ai” (Hán tự là chữ Aùi) trở nên rất được ưa chuộng và nhiều bé gái được đặt tên có từ “ai”.

Ngoài ra, trong bối cảnh dân số Nhật ngày càng già hóa và tỷ lệ sinh sụt giảm một cách đáng báo động thì sự kiện công nương hạ sinh hoàng tử được kỳ vọng có tác động tốt đến nhận thức của phụ nữ Nhật Bản, khuyến khích họ lập gia đình và sinh con.

Hoàng tử nhỏ
- Chào đời lúc 8 giờ 27 phút sáng 6-9-2006, nặng 2,558 kg.
- 7 ngày tuổi, hoàng tử được đặt tên Hisahito hàm ý trường thọ và yên bình.
- Biểu tượng ấn tín của Hisahito là koyamaki, một loại cây thân gỗ, cao 30-40m, đường kính lên tới 1m, tượng trưng cho sự mạnh mẽ và vững chãi.

(Tổng hợp từ Yomiuri, Kyodo, Mainichi)
BẢO TRÚC

Tin cùng chuyên mục