Học để thi (!)

Từ lâu, nhiều ý kiến cho rằng mục đích giáo dục ở nước ta đang bị chệch hướng: người đi học cốt để lấy bằng cấp nhằm mục đích tiến thân. Mà để có bằng, tất phải qua thi cử. Mục đích của việc học rốt cuộc thành ra là để đi thi lấy bằng. Từ mục đích sai lệch trên, hầu như năm nào cả xã hội cũng phải lao vào phục vụ chuyện thi cử cho học sinh (HS). Nặng nề, tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức nhất là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (xin gọi tắt là thi tú tài) và thi tuyển vào đại học.

Về thi tú tài, hàng năm vào cuối tháng ba, sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố các môn phải thi, hầu như tất cả các môn không thi khác đều bị “xếp xó” (nơi nào còn tiếp tục thì chỉ là dạy và học lấy có), tất cả dồn vào các môn thi tốt nghiệp. Đã có nhiều ý kiến đề nghị các môn học chính đều phải thi (như tất cả các kỳ thi tú tài ở miền Nam trước năm 1975 đều có 8 môn thi cố định), nhưng không ai nghe! Vậy là đến mùa thi, hầu như mọi HS, phụ huynh, giáo viên, nhà trường đều lao vào một “chiến dịch” ôn thi khủng khiếp: ôn từ sáng đến tối (chủ yếu học thuộc lòng, “học tủ”), mục đích tối hậu là làm sao lấy được mảnh bằng, vì thành tích của nhà trường, của giáo viên, đồng thời cũng vì tấm “giấy thông hành” tối thiểu để vào đời cho chính HS.

Để đạt được mục đích, nhiều người sẵn sàng tham gia hoặc thỏa hiệp với cách làm gian dối của thí sinh là quay cóp với “công nghệ sản xuất phao thi” ngày càng tinh vi (giá bán 20.000 - 50.000 đồng/bộ)… Và kết quả tốt nghiệp tú tài công bố sau đó nghe thấy thật “phấn khởi”: nhiều địa phương (kể cả vùng sâu, vùng xa) đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 90% (!). Mấy ai tin con số đó là thực chất, nhưng từ nhiều góc nhìn khác nhau, mọi người đều dễ dàng chấp nhận. Tuyển sinh vào đại học khắt khe hơn, nhưng cách học và thi cũng gần như vậy, tốn kém rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức của cả xã hội …

Từ lâu, thế giới đã tổng kết mục đích của việc học là “để biết, để làm, để làm người và để chung sống (hội nhập) với người khác”. Do đó, nếu chỉ học để thi như cách làm của Việt Nam hiện nay, rõ ràng mục tiêu, hiệu quả giáo dục của chúng ta còn nhiều bất cập, phiến diện, cần sớm có sự thay đổi cho phù hợp.

PHAN TRỌNG HIỀN

Tin cùng chuyên mục