Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD - hiện có 200 thành viên là các tổng giám đốc, giám đốc, chủ tịch HĐQT của các doanh nghiệp trong nước) vừa gửi một bản kiến nghị lên Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng với nội dung chính là Việt Nam cần phải có tổ đặc nhiệm phản ứng nhanh về chống lạm phát.
Phải xử lý cá nhân, bộ phận đưa ra quyết định sai lầm
Ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch VACD, cho biết gói giải pháp của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng kiềm chế những vấn đề lớn của nền kinh tế, là lạm phát và thâm hụt thương mại. Để phát huy hiệu quả hơn nữa, để tạo dựng lòng tin cho các nhà đầu tư, giới kinh doanh, nhân dân và cộng đồng quốc tế Chính phủ cần cấp bách thực hiện và cụ thể hóa những giải pháp của mình.
Đó là, thực hiện chặt chẽ nguyên tắc quyền hạn đi liền với trách nhiệm cá nhân trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư và quản lý tập đoàn nhà nước. Phải xử lý nghiêm túc theo đúng trách nhiệm đối với những bộ phận, cá nhân đứng đầu đưa ra những quyết định sai lầm, gây tổn thất cho Nhà nước và nhân dân. Theo ông Tiến, không thể có tình trạng không có ai chịu trách nhiệm trước sai lầm hoặc chỉ xử lý bằng cách khiển trách hoặc cảnh cáo suông.
Liên quan đến đầu tư và chi tiêu công, VACD kiến nghị Chính phủ cần công bố rõ ràng về chủ trương cắt giảm đối với yếu tố gây ra phần lớn tình trạng lạm phát này.
Cụ thể hóa chính sách an sinh cho dân nghèo
Để chống lạm phát hiệu quả, VACD kiến nghị Chính phủ một số biện pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong nước, bằng việc thành lập tổ đặc nhiệm ở Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành như Ngân hàng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương... Tổ này sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành nghề để điều tra nhanh và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN. Theo VACD, hiện nhiều DN vẫn chưa vượt qua khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, vay tín dụng khó khăn. Chính phủ cần thực hiện các chế độ ưu đãi thuế hơn nữa đối với một số ngành nghề, mặt hàng... Chính phủ nên cho dừng, tiến đến bãi bỏ việc tạm thu Thuế Thu nhập DN đang được áp dụng lâu nay cho tất cả DN vì không hợp lý đối với họ, bất kể DN kinh doanh lời hay lỗ (cuối năm mới quyết toán thuế lại).
Bản kiến nghị của VACD cũng đề nghị Chính phủ cần phải có biện pháp rõ ràng trong việc khắc phục khó khăn cho người dân. Trong gói giải pháp đưa ra của Chính phủ, an sinh xã hội được ưu tiên nhằm giảm bớt khó khăn cho người nghèo. Tuy nhiên, chủ trương đó được Chính phủ đưa ra chưa rõ ràng, khi chưa biết đối tượng cụ thể nào được hưởng chính sách này với mức trợ cấp là bao nhiêu, trong thời gian bao lâu...
Thúy Hải