Vai trò, trách nhiệm của UBND xã trong công tác giải quyết khiếu nại đông người? (Trần Văn Thịnh, quận 8 TPHCM).
Luật gia Bùi Thị Tuyết Hương, Phó Trưởng phòng Pháp chế tổng hợp, Thanh tra TPHCM, trả lời: Quyết định số 95/2007/QĐ-UBND ngày 23-7-2007 của UBNDTP về Ban hành quy chế phối hợp phòng ngừa và xử lý những trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, vi phạm trật tự công cộng, tại Khoản 1 Điều 5 quy định:
“Khiếu nại đông người là khiếu nại có từ 5 người trở lên có liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển hoặc có từ 5 người từ một số vụ việc riêng lẻ khác nhau, liên kết lại để khiếu nại vào cùng một thời điểm, tại một địa điểm”.
Thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy, để giải quyết tốt những vụ việc khiếu nại đông người đòi hỏi phải tiến hành kịp thời, đồng bộ nhiều biện pháp với sự tham gia có trách nhiệm của nhiều cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở.
Theo hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, để góp phần trong công tác giải quyết khiếu nại đông người, UBND cấp xã cần làm tốt những việc sau:
-Khi xảy ra khiếu nại đông người, Chủ tịch UBND cấp xã phải xem xét nội dung khiếu nại là gì, thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào, khiếu nại đã được giải quyết hay chưa? Xác định rõ nguyên nhân, tính chất, mức độ sự việc; có điều gì bất hợp lý dẫn đến bức xúc của người dân.
-Nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã, phải kịp thời tiếp nhận giải quyết ngay để giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chính quyền không được nóng nảy, mất bình tĩnh trước thái độ bức xúc của nhân dân; phải kiên trì giải thích để quần chúng hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng; đối với những kẻ lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, gây mất trật tự trị an, cần thiết phải xử lý nghiêm minh nhằm có tác dụng giáo dục, răn đe.
-Nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan cấp trên thì phải kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến trách nhiệm của UBND xã, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết vụ việc được nhanh chóng.
-Tổ chức tốt việc thi hành các kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
-Trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền được giao, nếu sai phạm thuộc trách nhiệm của mình, sau khi có kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, Chủ tịch UBND cấp xã phải nghiêm chỉnh chấp hành; cần thiết phải xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm, tạo sự đồng tình của dư luận, góp phần an dân.
H.H. ghi