Hội nghị thượng đỉnh Giải pháp toàn cầu 2021: Tăng tốc phục hồi kinh tế thế giới

Ngày 28-5, hơn 6.000 đại biểu từ 160 quốc gia, gồm các học giả, chuyên gia đầu ngành, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Giải pháp toàn cầu 2021 (gọi tắt là Hội nghị), được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội nghị thảo luận về giải pháp đối phó các thách thức của đại dịch Covid-19 và tăng tốc phục hồi kinh tế thế giới.
Italy sẽ cấp một loại giấy chứng nhận thay thế cho Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số của EU để sớm kích hoạt ngành du lịch
Italy sẽ cấp một loại giấy chứng nhận thay thế cho Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số của EU để sớm kích hoạt ngành du lịch

Cam kết chuyển đổi

Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 cho biết, Hội nghị sẽ xem xét các thách thức kinh tế, xã hội và công nghệ mà G20 phải đối mặt. Ngoài ra, Hội nghị sẽ nhấn mạnh đến vấn đề biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và Thủ tướng Đức Angela Merkel là những diễn giả chính.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Italy Mario Draghi - giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 - đề cập đến những thách thức mới xuất hiện đe dọa phát triển bền vững, gây rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu và khẳng định sẽ thúc đẩy để đạt một thỏa thuận về đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. G20 ủng hộ việc huy động tài chính khu vực công và tư để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền tảng quốc tế về tài chính khí hậu, giúp xác định các khoản đầu tư bền vững và phù hợp.

Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng mức độ phụ thuộc lẫn nhau của thế giới, khiến các nền kinh tế đi xuống, trong khi mức nợ toàn cầu tăng lên. Dịch bệnh cũng làm gia tăng bất bình đẳng, khiến ở nhiều nước,lòng tin vào chính phủ bị xói mòn khi quyền tự do cá nhân bị hạn chế. Mặt khác, đại dịch cũng tạo ra nhiều thay đổi tích cực giúp xây dựng thế giới tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều nước chưa hành động mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống tồn tại trước, trong và sau đại dịch. “Chúng tôi sẽ làm tốt hơn bằng cách thúc đẩy các giải pháp toàn cầu. Điều này có lẽ chưa bao giờ khẩn cấp hơn thế”, Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định.

Tái cơ cấu nhiều lĩnh vực

Theo lãnh đạo G20, việc tái cơ cấu xảy ra trong 5 lĩnh vực: Tái cơ cấu kinh tế đòi hỏi sự chuyển đổi mang tính hệ thống để đảm bảo rằng hoạt động kinh tế phục vụ nhu cầu của tất cả các bên liên quan, đóng góp vào phúc lợi xã hội và hoạt động trong quy mô toàn cầu. Tái cơ cấu sinh thái đòi hỏi các nước phải cung cấp cho thế hệ tiếp theo một thế giới ít nhất cũng phải tốt như hiện tại. Điều này đòi hỏi một sự chuyển đổi táo bạo mà tất cả phải sẵn sàng chấp nhận và ủng hộ. Tái cơ cấu quản trị đòi hỏi tư duy của quản trị đa trung tâm, trong đó, nhiều tác nhân hợp tác ở các cấp để khơi dậy hành động tập thể. Tái cơ cấu công nghệ đòi hỏi các cơ chế, quy định và nguyên tắc để đảm bảo rằng các đổi mới công nghệ đóng góp vào phúc lợi của con người và tiến bộ xã hội. Tái tổ chức xã hội đòi hỏi phải tập trung vào sự thịnh vượng xã hội và kéo theo các cuộc thảo luận về một hợp đồng xã hội mới đảm bảo sự gắn kết xã hội… 

Các đại biểu chung nhận định, đây được coi là sự sắp xếp lại cần thiết. Đại dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc toàn cầu đối với hệ thống hiện tại, buộc mọi người phải tự điều chỉnh hành vi và các chính phủ phải đưa ra các chính sách hỗ trợ tạo động lực và tái tổ chức các lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục