Lãnh đạo các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký kết Bản kế hoạch chiến lược hình thành và phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Đây rõ ràng là thách thức lớn và một số nước như Lào, Campuchia, Thái Lan đã, đang cải cách chương trình giáo dục để vượt qua rào cản này.
Thách thức lấn át cơ hội?
Sau khi thành lập, AEC sẽ có thị trường rộng lớn với 600 triệu người, trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và có thêm 6 triệu cơ hội việc làm mới được mở ra. Người lao động trong nhiều lĩnh vực như kỹ sư, y tá, bác sĩ, nha sĩ, kiến trúc sư, điều tra viên, kế toán viên và điều hành, hướng dẫn du lịch ở các nước sẽ có quyền di chuyển qua biên giới các nước ASEAN để làm việc nhằm tăng thu nhập. Nếu người lao động có kỹ năng và chuyên môn phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của mỗi quốc gia, sẽ được dễ dàng nhận vào làm việc và cấp quyền cư trú dài hạn tại các nước thành viên AEC.
Giáo viên Anh ngữ hướng dẫn tại một lớp học ở miền Bắc nước Lào.
Điều đó cho thấy, cộng đồng kinh tế ASEAN tuy mở ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng có không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề ngôn ngữ. Bất kỳ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi phải thông thạo tiếng Anh vì điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn trong việc vươn ra phạm vi toàn cầu. Càng ngày sẽ càng có nhiều CEO, manager của những doanh nghiệp nội địa lại là người nước khác… Vì vậy, người bản xứ buộc phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ nước ngoài chính tại lãnh thổ của mình.
Những quốc gia như Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei đang nắm lợi thế trong tiến trình hội nhập này vì họ coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai và nền tảng sử dụng tiếng Anh đã tốt sẵn. Trong khi những nước như Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan chưa có sự đầu tư đúng mức về giảng dạy tiếng Anh trong hệ thống giáo dục và chỉ coi tiếng Anh như một ngoại ngữ.
Cải cách không ngừng
Sự chênh lệch nói trên xuất phát từ nhiều lý do, ở một quốc gia đa văn hóa như Singapore, nơi có rất nhiều ngôn ngữ như tiếng Malay, tiếng Trung Quốc và tiếng Tamil, thì người dân coi tiếng Anh là một ngôn ngữ chung gắn kết các nền văn hóa, dân tộc khác nhau. Hệ thống giáo dục của Singapore cũng giúp người dân thành thạo tiếng Anh. Những nước như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào từ trước tới nay có xu hướng coi những người thành thạo tiếng Anh là những người rất xuất sắc, thuộc đẳng cấp khác, trong khi với người Malaysia, Brunei, Singapore và Indonesia thì tiếng Anh chỉ là một công cụ thông dụng để giao tiếp giữa những người từ các nền văn hóa và tầng lớp xã hội khác nhau. Nhiều nhà ngôn ngữ học trong khu vực khẳng định rằng, hiện tại chỉ có trình độ tiếng Anh của Singapore và Philippines là đủ để theo học những trường đại học nước ngoài mà không cần phải đào tạo tiếng Anh trước. Malaysia, Singapore, Myanmar và Philippines thậm chí đã phát những kênh chỉ toàn nói tiếng Anh từ nhiều năm qua.
Hiểu được vấn đề này, Thái Lan là một trường hợp điển hình qua sự nỗ lực nắm bắt thời cơ của AEC. Các trường đại học và nhiều cơ sở giáo dục khác của Thái Lan đang đẩy mạnh việc đào tạo tiếng Anh để chuẩn bị sẵn sàng cho cộng đồng kinh tế ASEAN sắp tới. Ít nhất 20% số môn học ở trường đại học ở nước này sẽ được dạy bằng tiếng Anh và sinh viên bắt buộc phải thi đỗ một bài thi tiếng Anh mới có thể tốt nghiệp. Đồng thời Chính phủ Thái Lan cũng đặt mục tiêu tại tất cả các trường học công đều phải có ít nhất một giáo viên tiếng Anh người bản ngữ. Tờ Bangkok Post cho biết, Thái Lan đứng thứ 62 trong số 70 quốc gia trong bảng đánh giá xếp hạng kỹ năng tiếng Anh của thế giới năm 2015 (English Proficiency Index) và là nước thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Học sinh Thái phải đánh vật với tiếng Anh, mặc dù đây là môn học bắt buộc từ tiểu học đến trung học.
Chuyên gia Treenuch Phaichayonvichit thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan khẳng định, kỹ năng ngôn ngữ sẽ rất quan trọng trong thị trường thống nhất mới, đặc biệt là tiếng Anh, ngôn ngữ chung duy nhất trong ASEAN. Tuy nhiên, học sinh Thái Lan học tiếng Anh khá kém. Điểm trung bình bài thi tiếng Anh toàn quốc luôn luôn dưới 50, kết quả các bài kiểm tra trình độ tiếng Anh quốc tế cũng kém hơn so với Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam và Myanmar trong cả hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên, những nỗ lực vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân và doanh nghiệp về AEC ở Thái Lan có vẻ đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực. Các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị chu đáo hơn cho thời điểm hội nhập. Đồng thời, những doanh nghiệp lớn nhất đã chủ động tiến sang các nước thành viên khác để đón thời cơ.
Hiện nay, Lào cũng đang tích cực cải thiện việc đào tạo tiếng Anh sau khi ngày càng nhiều bạn trẻ quan tâm đến vấn đề này. Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã hợp tác với các viện ngôn ngữ tiếng Anh quốc tế để thiết lập chương trình đào tạo tiếng Anh cho giáo viên cấp 2 đầu tiên tại quốc gia này. Chương trình đào tạo do các giáo viên bản ngữ từ Mỹ và Canada đảm nhiệm. Khoảng 130 giáo viên Lào đến từ 4 khu vực ở Vientiane gồm Meun, Hinheup, Vang Vieng và Maed sẽ theo học các khóa này. Các giáo viên bản ngữ sẽ giúp giáo viên Lào học kỹ năng sư phạm tiếng Anh; sau đó các giáo viên sẽ quay trở về trường, áp dụng những phương pháp mới học được vào việc dạy tiếng Anh trên lớp. Giáo viên bản ngữ cũng định kỳ đến các trường học để giúp áp dụng những hoạt động ngoại khóa vào lớp học.
Tại Campuchia, ngoài việc cải cách chương trình tiếng Anh, một số địa phương còn khuyến khích học tiếng Anh khá độc đáo khi cấp giấy phép hành nghề hoặc thẻ môn bài cho các doanh nghiệp, người buôn bán nhỏ thì họ cấp luôn cho cuốn sách tiếng Anh để tự học và tự giao tiếp bán hàng. Trong vòng 1 năm, nếu chủ hàng không học tiếng Anh thành thạo thì chính quyền địa phương thu lại giấy phép hành nghề. Vì vậy, những ai muốn mưu sinh kiếm sống thì bắt buộc phải học tiếng Anh để giao tiếp, bán hàng…
VIỆT ANH (tổng hợp)