Ngày 11-10-2012, Hội Sân khấu TPHCM sẽ kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển. Trước niềm vui của giới sân khấu và khán giả thành phố nhân sự kiện này, chúng tôi đã ghi lại những chia sẻ của các nhà quản lý, tác giả, đạo diễn có nhiều năm gắn bó với sân khấu…
Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM Lê Duy Hạnh: Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được
Sau khi khảo sát, năm 1981, Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ đã quyết định thành lập các hội chuyên ngành, trong đó có Hội Sân khấu TPHCM và đến nay có hai điều rất đáng chú ý. Thứ nhất là Nhà nước đi đôi với xã hội hóa, công nhận tập thể và tư nhân; thứ hai là công tác ái hữu tương tế. Bởi trước đây, sân khấu ở Sài Gòn đã có Hội nghệ sĩ Ái hữu tương tế. Cho nên khi thành lập Hội Sân khấu TPHCM, trên sự kế thừa đó, những người làm sân khấu của thành phố tiếp tục phát huy, chăm lo cho những nghệ sĩ già yếu, neo đơn không nơi nương tựa. Và điều này chỉ có ở TPHCM, chứ không có địa phương nào có.
Trong 30 năm hình thành và phát triển, chúng tôi vẫn trung thành với những định hướng đó, chỉ điều chỉnh về phương thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thời kỳ hội nhập và phát triển. Ngay cả giải thưởng Trần Hữu Trang mà Hội Sân khấu TPHCM tổ chức cũng kế thừa từ một giải thưởng trước đây là giải Thanh Tâm và đến nay đã trải qua nhiều mùa giải, cuộc thi này hoàn toàn không bị chi phối bởi các đơn vị tài trợ, tiền bạc. Bởi khi hợp tác tổ chức giải thưởng, chúng tôi luôn đặt vấn đề là liên kết để cùng thực hiện, làm cho giải thưởng thành công là ưu tiên số một.
Hướng về tương lai sẽ có rất nhiều điều phải bàn tính. Nhưng tôi nghĩ vấn đề đầu tư cơ sở vật chất vẫn là điều hết sức cần thiết. Đồng thời, việc xây dựng kế hoạch cho sự hội nhập và giao lưu sân khấu cũng cần phải quan tâm đúng mức. Lâu nay, dường như vấn đề này chưa được hoạch định một cách cụ thể. Tôi nghĩ, nếu như chúng ta mở rộng được giao lưu quốc tế, mở rộng thị trường biểu diễn qua đó càng thấy được đặc trưng, bản sắc của văn hóa Việt hơn nữa.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo đội ngũ những người làm sân khấu ở nước ngoài cũng cần có chiến lược, chứ không thể nào bỏ lửng như thời gian qua... Những vấn đề này, một mình hội chuyên ngành không thể làm được mà nhất thiết phải có vai trò quản lý của Nhà nước.
Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc: Kịch nói TPHCM trưởng thành và lớn mạnh
Mặc dù sân khấu TPHCM đang có những biểu hiện đi xuống, nhưng nếu nhìn lại lộ trình 30 năm sẽ thấy những ấn tượng khá sâu đậm. Đặc biệt là sự trưởng thành, lớn lên mạnh mẽ của sân khấu kịch nói với nhiều diễn viên, đạo diễn, tác giả… đã làm việc miệt mài, góp phần đem lại nhiều tác phẩm cho công chúng.
Thực tế hiện nay cần phải nhìn nhận, dẫu sân khấu gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có một sức hút đối với nhiều người. Cụ thể hàng năm rất đông bạn trẻ đăng ký dự thi làm diễn viên. Còn các sàn diễn vẫn có khán giả. Chính khán giả đang là người “nuôi dưỡng” sân khấu tồn tại. Nói nôm na là sân khấu đang sống bằng nguồn “sinh lực” của khán giả thành phố là chính. Điều này hoàn toàn khác với các sân khấu phía Bắc – sống chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, về mặt báo chí, trong chặng đường 30 năm qua sân khấu thành phố, các cơ quan báo chí của thành phố cũng đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của sân khấu. Báo chí là chiếc cầu nối giúp những người làm sân khấu dễ dàng tiếp cận được sản phẩm, hình ảnh của mình đến với đại chúng.
Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng: Công tác đào tạo rất quan trọng…
Ngay từ những ngày đầu thành lập Hội Sân khấu TPHCM, tôi đã tham gia vào Ban chấp hành và được bầu làm Phó tổng thư ký đầu tiên của Hội Sân khấu TPHCM. Khi ấy, tôi cũng làm công tác giảng dạy và quản lý của Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM) nên nhận thấy sự tương tác qua lại giữa hội và trường đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của sân khấu thành phố.
Nếu như nói về công tác đào tạo, thì rõ ràng mấy mươi năm qua, công tác đào tạo rất quan trọng, đội ngũ những người làm công tác giảng dạy đã đào tạo được một đội ngũ diễn viên, đạo diễn, tác giả, lý luận phê bình… rất hùng hậu cho sân khấu thành phố nói riêng và cả phía Nam nói chung.
Từ lực lượng kế thừa này mà thời gian qua sân khấu thành phố luôn hoạt động sôi nổi, năng động nhất nước. Trong số những người được đào tạo, đến nay có người đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu NSND, NSƯT, có người là trụ cột của nhiều sân khấu khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, trong công tác đào tạo, có một số thầy cô, sinh viên không dành nhiều tâm huyết cho việc dạy và học. Điều này nếu không sớm có giải pháp chấn chỉnh kịp thời e rằng sân khấu thành phố sẽ phải nhận lắm hệ lụy…
ĐỖ HẠNH