(SGGPO).- Ngày 24-8, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ".
Hội thảo hướng đến kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1-1997 - 1-2017), góp phần khẳng định, làm sáng tỏ vai trò, vị trí của dinh trấn Thanh Chiêm - dinh trấn Quảng Nam hai thế kỷ XVII - XVIII trong việc mở bờ cõi, đẩy mạnh phát triển thương mại với bên ngoài - cảng thị Hội An. Đồng thời, làm sáng tỏ vai trò dinh trấn Thanh Chiêm, tiếng nói xứ Quảng là nơi đầu tiên hình thành chữ Quốc ngữ.
Hội thảo thu hút được sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu ngôn ngữ... trong và ngoài nước và các vị linh mục, trong đó có 70 bản tham luận.
Hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ
Từ Dinh trấn Thanh Chiêm...
Quảng Nam, theo nghĩa rộng là "Đất mở rộng về phương Nam, vâng mệnh vua để tuyên dương đức hoá". Tháng 6 năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông lập Quảng Nam thừa tuyên đạo, là đạo thừa tuyên thứ 13 của quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ. Danh xưng Quảng Nam bắt đầu từ đó.
Trong quá trình sinh sống, các thế hệ người Quảng Nam đã để lại trên mảnh đất này những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Đặc biệt, nơi đây có sự giao thoa, tiếp biến giữa các nền văn hóa Việt - Chăm - Hoa - Nhật - phương Tây.
Với tầm nhìn chiến lược, Chúa tiên Nguyễn Hoàng đã chọn nơi đây "là đất yết hầu của miền Thuận Quảng" và cho dựng dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm - mở đầu cho sự phát triển thịnh vượng Đàng Trong trong suốt hai thế kỷ XVII và XVIII.
Nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, bên bờ Sài Thị giang (sông Thu Bồn) và gần cửa biển Đại Chiêm, Dinh Chiêm có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Trong lịch sử, Dinh trấn Thanh Chiêm được Chúa Nguyễn xem là kinh đô thứ hai, là trung tâm chính trị sau Phú Xuân; là nơi các hoàng tử "tập dượt" cách trị vì đất nước trước khi kế nhiệm ngôi vua.
Trong suốt thời gian tồn tại của mình (1602 - 1832), Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức quản lý vùng đất Quảng Nam (rộng lớn). Sách Đại Nam nhất thống chí viết: "Phía Đông có biển bao vòng, phía Tây có núi che chở... ải sông hiểm trở, lao đảo xây quanh, đồng nội rộng bằng, dân cư đông đúc... cửa biển Đại Chiêm tàu bè sum họp, chợ phố Hội An hàng hóa nhóm đầy, thực là nơi đô hội". Không ít nhà buôn phương Tây khi đến Hội An đều ghi lại là "nước Quảng Nam". Từ sự phồn thịnh đó, Chúa tiên Nguyễn Hoàng làm bàn đạp Nam tiến, mở mang bờ cõi.
Từ sự phát triển thương mại cùng với bối cảnh lịch sử lúc bây giờ, như là cơ duyên để các nhà truyền giáo đến với Đàng Trong, mà cột mốc được xác định là đầu năm 1615. Tiếp đến, năm 1617, giáo sĩ Francisco de Pina được cử vào xứ Đàng Trong, giúp đỡ những Nhật kiều công giáo ở Hội An. Sau đó, giáo sĩ chú tâm nghiên cứu, sáng tạo chữ Quốc ngữ, như chính giáo sĩ viết rằng: "Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình".
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chữ Quốc ngữ là công trình của nhiều giáo sĩ Tây phương, nhưng người tiên phong trong sáng tạo ra thứ chữ này là giáo sĩ Francisco de Pina cùng những người Việt Nam cộng tác với ông. Tại Thanh Chiêm đã ra đời trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên.
Ông Lê Văn Thanh, PCT UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của Dinh trấn Thanh Chiêm cũng như sự hình thành chữ Quốc ngữ, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.
Sở VHTT trước đây và Sở VH-TT-DL sau này phối hợp với huyện Điện Bàn tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về Dinh trấn Thanh Chiêm; Viện Ngôn ngữ học chủ trì thực hiện đề tài khoa học "Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ" do PGS.TSKH. Lý Toàn Thắng làm chủ nhiệm và được in thành sách vào năm 2006.
Từ những nghiên cứu đó, Dinh trấn Thanh Chiêm được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Những nghiên cứu của các nhà khoa học trong suốt 15 năm qua đã đưa ra những kết luận khoa học có giá trị về vai trò, công lao của giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes trong sáng tạo, hoàn thiện chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII.
Bìa cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của Alexander de Rhodes
... đến "di sản" chữ Quốc ngữ
Theo nhà nghiên cứu Đinh Trọng Tuyên (Quảng Nam) và Đinh Bá Truyền (người Quảng Nam đang định cư tại Hoa Kỳ), vào đầu thế kỷ XVII, một giáo đoàn Kitô gồm hơn 20 giáo sĩ Dòng Tên, đó là các linh mục và thầy giảng người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp được phái đến xứ Đàng Trong thay vì Nhật Bản với mục đích truyền đạo Công giáo.
Ban đầu, sứ mệnh gieo đức tin Thiên Chúa diễn ra một cách khó khăn do cách biệt ngôn ngữ, các giáo sĩ không thể hiểu dân địa phương nói gì bởi ngôn ngữ ở đây là một thứ "tiếng như âm nhạc, nghe như chim hót". Vì thế, các giáo sĩ đã sử dụng mẫu tự Latin để ký âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc học tập ngôn ngữ bản địa và quan trọng hơn là có thể trực tiếp giảng đạo mà không cần phiên dịch.
"Sử dụng mẫu tự Latin để ký âm tiếng Việt với mục đích truyền đạo Công giáo vào xứ Đàng Trong ở tiền bán thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên không bao giờ ngờ rằng họ đã để lại món quà vô giá cho dân tộc Việt Nam, đó là chữ Quốc ngữ. Ngày nay, chẳng ai hoài nghi về sự tiện ích tuyệt đối của chữ Quốc ngữ đối với nền quốc học và sự nghiệp phát triển văn hoá nước nhà nhưng mấy ai biết chữ Quốc ngữ đã được khai sinh bởi một giáo sĩ người Bồ Đào Nha, tên là Francisco de Pina, tại một làng quê dẫn dã ở tỉnh Quảng Nam, đó là làng Thanh Chiêm", nhà nghiên cứu Đinh Trọng Tuyên và Đinh Bá Truyền nhận định.
Theo Roland Jacques, một nhà Ngôn ngữ học người Pháp, giáo sĩ Francisco de Pina là người đầu tiên bắt tay vào thực hiện công trình Latin hóa tiếng Việt đầy khó khăn nhưng cũng không kém phần vinh quang này.
Cũng theo Roland Jacques, giáo sĩ Francisco de Pina đã nhận xét tiếng Việt là một ngôn ngữ "có thanh điệu như một bản xướng âm, cần phải biết xướng âm trước đã. Chỉ sau đó mới học các chữ". Và cũng nhờ tìm được di cảo của giáo sĩ Francisco de Pina tại Ma Cao và Bồ Đào Nha, Roland Jacques đã chứng minh được với thế giới rằng giáo sĩ Francisco de Pina mới chính là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ chứ không phải là giáo sĩ Alexander de Rhodes như mọi người vẫn lầm tưởng.
Linh mục hưu trí Antôn Nguyễn Trường Thăng cho rằng, 4 thế kỷ qua đi, từ những tế bào non trẻ đến những bước chân chập chững tìm tòi rồi đến tuổi trưởng thành, kỳ diệu và bất ngờ, chữ Quốc ngữ hôm nay đi qua một đoạn đường không ai lường trước. Người đời gọi là may mắn, người sống nội tâm cho có một sự an bài của một đấng vô hình. Từ những ước vọng nhỏ bé của các giáo sĩ Tây phương, lạc lỏng giữa rừng chữ Hán, chữ Nôm, muốn tìm một lối ký âm đơn giản cho mình, học trò và đạo hữu; qua những tính toán chính trị của thực dân Pháp đến sự khôn ngoan đồng thuận của các chiến sĩ đấu tranh cho độc lập, tự do, tiến bộ của dân tộc, chữ Quốc ngữ có một cơ may bất ngờ.
* Linh mục hưu trí Antôn Nguyễn Trường Thăng: Nên có "ngày chữ Quốc ngữ" và bảo tàng chữ Quốc ngữ "Chính vì thế, không có gì lạ khi Quảng Nam có nhiều người tham gia vào làng báo, làng văn viết bằng chữ Quốc ngữ rất sớm, tiêu biểu là cụ Huỳnh Thúc Kháng với báo Tiếng Dân và cụ Phan Khôi, chủ soái văn đàn. Vinh dự đỉnh cao của chữ Quốc ngữ là Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Tuyên ngôn không viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp mà viết bằng chữ Quốc ngữ. Độc lập chính trị, độc lập văn hoá, dân tộc Việt Nam hiên ngang thẳng tiến. Tại diễn đàn này, chúng ta hãy một lần cho tất cả xác nhận giá trị của lối chữ viết giúp chúng ta thoát Hoa, thoát Pháp, thoát Mỹ,...tiến đến độc lập, tự chủ trong mọi lĩnh vực cho dù chúng ta tiếp tục làm giàu tiếng Việt nhờ sự đóng góp không ít của các thứ ngôn ngữ trên. Chữ Quốc ngữ hôm nay là mối dây đại đoàn kết, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt trên khắp thế giới và càng ngày càng được bạn bè năm châu tìm học. Quốc ngữ, chữ nước ta, cần phải được đề cao là Di sản văn hoá Việt Nam và cao hơn, qua UNESCO là Di sản Văn hoá thế giới. Hy vọng không xa nữa, có một ngày cho chữ Quốc ngữ, có một bảo tàng chữ Quốc ngữ sớm ra đời. Tại sao không nằm quanh đây, trong tỉnh Quảng Nam, thuận tiện đi lại cho cả hai miền Nam, Bắc?". Linh mục hưu trí Antôn Nguyễn Trường Thăng trao đổi với các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và báo chí |
NGUYÊN KHÔI