Đại lễ Phật đản LHQ 2008

Hội thảo “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

Hội thảo “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

* Công bố 11 kỷ lục Phật giáo Việt Nam

Ngày 15-5, ngày thứ 2 của Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam, các đại biểu Phật giáo, các học giả và nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dành nhiều thời gian thảo luận với 7 cuộc hội thảo theo chủ đề chính “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

GS Lê Mạnh Thát, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ (IOC) cho biết, những chủ đề được đưa ra trong 7 cuộc hội thảo tại Vesak 2008 đã được lựa chọn rất kỹ lưỡng, gắn liền với những mối quan tâm, bức xúc và nóng bỏng của thế giới. Đó là những chủ đề về: Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh; Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội; Phật giáo nhập thế và sự phát triển; Chăm sóc môi trường, giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu; Vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo; Diễn đàn giáo dục Phật giáo sự kế thừa và phát triển; Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.

Việc lựa chọn những đề tài, chủ đề để tiến hành thảo luận trong Đại lễ lần này cũng đánh dấu một sự thay đổi rất lớn so với những lần Vesak được tổ chức trước đây. Đây cũng là một trong những nội dung quyết định tới sự thành công của Đại lễ Vesak 2008 và là những đóng góp rất thiết thực vào giải quyết các vấn đề của đời sống thực tại.

Đáng chú ý, hội thảo về đề tài “Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh” đã thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều đại biểu, cũng như các tăng ni, phật tử. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng, thực hành theo lời đức Phật dạy về nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng, sống đúng là nòng cốt cho việc giải quyết những vấn đề mà tất cả chúng ta quan tâm. Việc ngăn ngừa chiến tranh bắt nguồn từ trong tự thân mỗi con người. Vì chỉ có thức tỉnh, con người mới có thể sử dụng ái ngữ, biết lắng nghe để ngồi lại chuyển hóa hận thù và sự hiểu lầm lẫn nhau.

Trong hội thảo với chủ đề đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội, Hòa thượng, GS Dharmakosajarn, người sáng lập ra Đại lễ Phật đản LHQ khẳng định, những giá trị cao đẹp của Phật giáo trong việc thiết lập, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, qua việc con người chúng ta phải không ngừng rèn luyện và tu tập được tấm lòng từ, bi, hỷ, xả.

Cũng trong ngày thứ 2 của Đại lễ, cùng với các cuộc hội thảo chuyên đề theo nhóm là các khóa lễ tụng kinh và cầu nguyện của các đoàn Phật giáo cho sự an lạc, hòa bình và hữu nghị của thế giới. Đặc biệt, tối 15-5, vở cải lương “Cuộc đời Đức Phật” do Đại đức Thích Nhật Từ, Tổng Thư ký IOC dàn dựng và đạo diễn được trình diễn lần đầu tiên, có tham gia của nhiều diễn viên, nghệ sĩ cải lương của TPHCM.

Ngoài ra, Ban tổ chức Đại lễ Vesak 2008 cũng đã phối hợp với Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố 11 kỷ lục Phật giáo Việt Nam trong Đại lễ Vesak 2008. Trong đó có những kỷ lục đáng chú ý như: Hội thảo Phật giáo quốc tế lớn nhất với khoảng 5.000 người tham dự; Bữa tiệc có người ăn chay nhiều nhất Việt Nam; Lễ trồng cây bồ đề nhiều nhất (100 cây chiết từ Ấn Độ, trồng ở chùa Bái Đính, Ninh Bình); Chương trình nhạc giao hưởng Phật giáo lớn nhất với 500 nhạc công và lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình với khoảng 2 vạn người tham gia. 

KHÁNH NGUYỄN 

Hội thảo “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ảnh 1

Lập vườn Lâm Tỳ Ni nổi giữa hồ Xuân Hương (Đà Lạt) nhân lễ Phật đản.


 

Thông tin liên quan

* Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 
Sáng nay, thảo luận nhiều vấn đề bức xúc của nhân loại
 

Sôi nổi các hoạt động văn nghệ Phật giáo tại TPHCM

* Khai mạc trọng thể Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam

Tin cùng chuyên mục