
“Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” – một biểu đạt tấm lòng nghĩa tình của người dân miền Nam đối với thủ đô Hà Nội lại trở nên ấm áp hơn bao giờ hết tại Hội thảo khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” do Thành ủy TPHCM phối hợp với Bộ VH-TT-DL và Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tại TPHCM vào ngày 23-9.
Tham dự có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cùng 350 đại biểu là các nhà nghiên cứu, giáo sư các trường đại học, học viện trong cả nước và hơn 300 sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM.
Với 125 tham luận được lựa chọn từ hơn 150 bài viết, hội thảo đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu, phân tích lý giải, phát hiện tư liệu, bình luận lịch sử, đề xuất giải pháp với nhiều nội dung khoa học và thực tiễn liên quan đến lịch sử văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến. Báo SGGP xin trích đăng một số tham luận nói trên.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (thứ hai từ phải sang) và các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo “TPHCM hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM: Bắt nguồn từ hào khí Thăng Long
Trải bao thăng trầm, kể cả khi “Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”, cho đến nay có được một TP diện mạo to đẹp, khang trang, xứng đáng với danh hiệu TP anh hùng, thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thì chúng tôi luôn cảm nhận và ý thức rằng hồn thiêng sông núi từ thủ đô ngàn năm văn hiến đã tỏa sáng trên vùng đất này. Những thắng lợi, những thành tựu đã đạt được của TPHCM gắn liền với sự phát triển của đất nước và do đó càng gắn chặt với thủ đô Hà Nội. Từ thực tiễn của lịch sử đã minh chứng rằng Đảng bộ và nhân dân TPHCM có truyền thống yêu nước, cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, chính là bắt nguồn từ hào khí Thăng Long, từ truyền thống quật khởi của dân tộc bởi một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Nam bộ là đất Việt Nam... Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Sự thống nhất đó dựa trên cơ sở lịch sử phát triển tự nhiên biện chứng, mang tính tất yếu của dân tộc ta, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ở TPHCM, rất nhiều người nhớ đến câu thơ “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, tấm lòng nghĩa tình của Đảng bộ và nhân dân TPHCM cũng có thể biểu đạt như vậy đối với thủ đô Hà Nội. Chúng tôi luôn khắc sâu mãi tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đối với miền Nam nói chung và TPHCM nói riêng, đặc biệt là tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” trong những tháng năm dài chống thực dân, đế quốc xâm lược. Sự sẻ chia chi viện, sự hy sinh to lớn không thể lượng hóa được vì bằng cả máu và nước mắt, những đội quân “Nam tiến”, rồi những đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn, tiến về Sài Gòn… Trong niềm vui chiến thắng của ngày 30-4-1975 lịch sử, có biết bao bà mẹ của Thăng Long - Hà Nội, của cả nước khóc thầm lặng lẽ vì những người con của mình đã không trở về sum họp với biết bao tình thương yêu, đùm bọc, nuôi dưỡng, vun đắp những đứa con miền Nam, của thành phố học tập, rèn luyện, trưởng thành. Thẩm thấu những mất mát lớn lao, những tình cảm bao la đó, càng giúp cho chúng ta sống có trách nhiệm hơn, có nghĩa tình hơn, phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mến yêu, xây dựng thủ đô anh hùng.
Ý thức về sự thụ hưởng và trách nhiệm đối với cội nguồn dân tộc, TPHCM luôn nêu cao tinh thần “cùng cả nước, vì cả nước”, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Trong kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng trui rèn ý chí và bản lĩnh trong cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt; những khi thắng lợi, những lúc cách mạng đương đầu với khó khăn, thách thức, những phút hiểm nghèo luôn hướng về Bác Hồ, về Trung ương, về Hà Nội, với niềm tin tất thắng, được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để phấn đấu vượt qua phong ba bão táp; suốt 30 năm kháng chiến kiên trung, bất khuất đi trước về sau, dũng cảm, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 35 năm qua, TPHCM đã vượt qua muôn vàn khó khăn chồng chất, giữ vững thành quả cách mạng, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định chính trị, khôi phục và phát triển KT-XH. Bằng ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân, hình thành tư duy mới, cách làm mới trên nhiều lĩnh vực, năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh với những mô hình mới, đột phá tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trở lực của cơ chế quản lý cũ mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện đời sống nhân dân. Từ thực tiễn đó, đã góp phần vào quá trình hình thành, hoạch định đường lối đổi mới của Đảng, làm cơ sở để TPHCM chuyển mình vào thời kỳ phát triển mới và đã đạt những thành tựu to lớn, toàn diện có ý nghĩa lịch sử trong gần 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới theo đường lối của Đảng ta, thực hiện bảo vệ và khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, mang lại cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Kinh tế TP được khôi phục và không ngừng phát triển; giữ vị trí đầu tàu tăng trưởng, chiếm hơn 20% tổng sản phẩm nội địa của cả nước, có mức tăng trưởng gấp 1,5 lần mức bình quân cả nước, đóng góp hàng năm trên một phần ba tổng thu ngân sách quốc gia.
Những thành tựu ấy, trước hết là tinh thần yêu nước, cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, sự năng động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân thành phố gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, bằng kết quả của quá trình thực hiện công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, luôn được quán triệt là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt đề cao việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng về nhận thức và hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đảng bộ và lan tỏa ra xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, niềm tin và đòi hỏi của nhân dân.
Đôi rồng thời Lý bằng gốm sứ lớn nhất Việt Nam trong lễ khánh thành tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội. Ảnh: B.P.
Linh mục NGUYỄN CÔNG DANH, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam: Đồng bào Công giáo luôn hướng về cội nguồn
Giờ phút này có thể nói được là giờ phút linh thiêng nhất, cùng với nhịp đập của trên 6 triệu con tim tín hữu Công giáo trên khắp mọi miền đất nước, từ địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau, trong đó có trên 660.000 đồng bào Công giáo TPHCM, xin được biểu thị tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của đồng bào Công giáo Việt Nam, trong đó có đồng bào Công giáo TPHCM đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước, đối với thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đồng thời cũng để khẳng định và góp phần tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc Việt Nam, vốn mang một dòng máu anh hùng bất khuất qua bao thế hệ. Tình cảm của người Sài Gòn và Nam bộ đối với Hà Nội sâu đậm đến nỗi khi có một sự kiện lớn nhỏ xảy ra ở thủ đô cũng thâm nhập rất nhanh vào dân chúng phía Nam - vui cũng như buồn.
Trong chiến tranh khi miền Bắc bị Mỹ ném bom, ở miền Nam đã dấy lên một cao trào “miền Bắc gọi, miền Nam trả lời”. Cũng vậy miền Bắc và Hà Nội chia sẻ với miền Nam, với Sài Gòn nỗi đau và chiến công. Không đếm xuể các ngôi mộ của người Hà Nội và Bắc bộ nói chung ở Nghĩa trang TPHCM, ở Nghĩa trang huyện Củ Chi và tất cả các nghĩa trang địa phương Nam bộ. Đó là ta chưa nói tới vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc mà Hà Nội từng là chiến trường thực sự chia sẻ với miền Nam hạt gạo, thậm chí bày trận thế diệt địch trên không được tôn vinh là “trận Điện Biên Phủ trên không”.
Đây là sự hòa nhập của máu thịt. Với Sài Gòn, thủ đô còn là nơi Bác Hồ sống và lãnh đạo, nay là nơi đặt lăng của Người. Hà Nội cũng là nơi đặt cơ quan của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Mặt trận Dân tộc thống nhất... Những cái có vẻ thiên về tình cảm ấy tồn tại trong nội tâm của người dân TPHCM, thuộc sức sống tinh thần vô cùng bền vững. Sài Gòn lớn lên trong đấu tranh và trong sự khẳng định mình. Cái nền vững chắc của văn hóa Việt và văn hiến ngàn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã tạo cho người Sài Gòn một bản lĩnh và một tinh thần bất khuất. Sài Gòn tiếp thu văn hóa Tây phương nhưng không Tây hóa, Sài Gòn vẫn là đại biểu một bộ phận lan tỏa của Thăng Long - Hà Nội.
GS TRẦN THANH ĐẠM: Gắn bó như máu thịt, keo sơn
Có thể kể ra không biết bao nhiêu sự kiện lịch sử về các mối quan hệ ruột thịt, xương máu Hà Nội – Sài Gòn trong mối quan hệ xương máu và ruột thịt Bắc Nam. Chỉ cần ôn lại vài sự kiện nổi bật nhất. Trong hai lần xâm lược Việt Nam trong hai thế kỷ 19 và 20, thực dân Pháp cũng như Mỹ lấy Sài Gòn và Nam bộ làm căn cứ, bàn đạp để thôn tính cả nước, trước tiên là đánh chiếm Hà Nội. Trong công cuộc khôi phục chủ quyền dân tộc, thu hồi lãnh thổ quốc gia, nhân dân Việt Nam đã đi ngược lại tiến trình đó. Xuất phát từ miền Bắc và Hà Nội, nhân dân ta chi viện và phối hợp với Sài Gòn và miền Nam để đánh bại và đánh đuổi quân thù. Tiêu biểu và đặc biệt là chiến công “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng 12-1972, tiêu diệt các pháo đài bay B52 và các chiến đấu cơ hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ. Chiến công này, Hà Nội và miền Bắc thực hiện vì Sài Gòn và miền Nam ruột thịt. Thất bại trên bầu trời Hà Nội, Mỹ phải chấp nhận Hiệp định Paris 1973, buộc phải rút toàn bộ quân xâm lược Mỹ khỏi Việt Nam, chấp nhận thất bại trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đại thắng mùa xuân của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng toàn bộ miền Nam thống nhất đất nước là kết cục tất nhiên của 30 năm kháng chiến vì độc lập, tự do và thống nhất, là cuộc phục thù và phục hưng của Hà Nội và Sài Gòn cho cuộc thất trận cuối thế kỷ 19, chấm dứt thảm họa mất nước của VN trong lịch sử hiện đại. Lịch sử và nhân dân VN nhiều thế kỷ nữa sẽ không bao giờ quên chiến công phối hợp Nam Bắc, hiệp đồng Sài Gòn – Hà Nội trong nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ 20. Ở tầm cao chiến thắng của lịch sử dân tộc và thời đại, Sài Gòn – TPHCM và Thăng Long – Hà Nội càng gắn bó như máu thịt, như keo sơn trong tình dân tộc bền chặt và cao cả được cô kết bằng hàng ngàn năm lịch sử và hàng trăm năm đấu tranh yêu nước và cách mạng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thời hiện đại.
PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN, Trưởng ban tổ chức hội thảo: Hiến kế cho Hà Nội tiếp tục thăng hoa Với việc đồng tổ chức hội thảo, TPHCM tỏ lòng tri ân sâu sắc của người dân TPHCM và các tỉnh phía Nam đối với tổ tiên, cội nguồn. Các tham luận tiếp tục khẳng định sự sáng suốt dời đô của đức vua Lý Thái Tổ, tầm nhìn xa trông rộng của các vị nguyên thủ quốc gia, trách nhiệm cao cả trước quyền lợi cao cả và tương lai của dân tộc. Nhiều tham luận hiến kế cho Hà Nội tiếp tục thăng hoa, mãi mãi là trái tim của đất nước, là thủ đô anh hùng, là nguồn mạch tỏa sáng mọi miền đất nước. Hội thảo giúp cho mỗi người thấy được trách nhiệm, nêu cao ý thức, tình cảm và lòng nhiệt huyết xây dựng TPHCM ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc. |
TUẤN SƠN