Hơi thở của hẻm

Sau đại dịch Covid-19, lĩnh vực thương mại, dịch vụ tại TPHCM được đánh giá phục hồi khá nhanh nhờ mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh. Cửa hàng, quán ăn dày đặc các con hẻm nhỏ làm ăn khấm khá không thua gì khi kinh doanh trên mặt tiền những con đường lớn. Quan niệm không có mặt bằng tốt thì việc kinh doanh sẽ gặp khó khăn đã không còn phù hợp, nhất là trong thời đại công nghệ số hậu Covid-19.
Quán cà phê Nhà của Mị trong con hẻm nhỏ đường Vũ Huy Tấn, phường 7, quận Bình Thạnh
Quán cà phê Nhà của Mị trong con hẻm nhỏ đường Vũ Huy Tấn, phường 7, quận Bình Thạnh

1. “Hàng về, các em nhanh ra phụ một tay chuyển vào nè”. Vừa giới thiệu khách chọn mẫu hàng trên tài khoản Zalo, cô chủ “9X” shop thời trang Owi trong con hẻm nhỏ 413 Lê Văn Sỹ, phường 12 (quận 3) nhắc gọi nhân viên sắp xếp những bao hàng to mới nhập về. “Nay hàng về nhiều lắm nha cô. Có mấy shop bên Phú Nhuận gọi chở, tôi phải đi ngay đây”. Nói rồi, anh shipper lao xe đi, không kịp khiêng 2 bao hàng vào trong cho cô chủ 9X. 

Theo cô chủ, hàng nhập về đến đâu đều bán hết ngay trong ngày. Lượng khách vãng lai đến shop hẻm ít hơn so với shop mặt tiền nhưng giao dịch qua các nền tảng Facebook, Zalo, YouTube, TikTok, Instagram thì tăng lên từng ngày. Ngoài quần áo “hàng si” (đã qua sử dụng) với đủ mẫu mã, kiểu dáng thích hợp cho giới trẻ, shop còn bày bán các mặt hàng lưu niệm, trang sức, phụ kiện thời trang và cả các loại đồ hộp, nước uống đóng chai... Với mặt bằng 2 tầng lầu gần 100m2, giá thuê hơn 10 triệu đồng/tháng, cộng các khoản chi phí chỉ bằng một nửa so với cửa hàng lớn, nên giá bán các mặt hàng quần áo thời trang tại đây dù có tốn phí ship cũng thấp hơn so với cửa hàng tại các tuyến đường lớn, trung tâm thương mại.     

Phía bên kia đường Lê Văn Sỹ, phường 14 (quận 3), hẻm 402, 386, 448, thời gian qua có khá nhiều tiệm may, quán cà phê nhộn nhịp mở ra. Mặt bằng tại đây so với nhà mặt tiền, rộng rãi hơn nhiều, phần lớn được chủ thuê nguyên căn, bài trí hàng hóa và trang hoàng khá đẹp mắt từ dưới đất lên các tầng lầu phía trên. Chủ một cửa hàng thời trang ở hẻm 386 Lê Văn Sỹ chia sẻ: Kinh doanh trong hẻm nhỏ có nhiều cái lợi như mặt bằng rộng, vừa kinh doanh, vừa là chỗ sinh hoạt cho nhiều người, giá thuê lại thấp. Chưa kể khu vực an ninh, gần gũi, thân thiện với văn hóa, cuộc sống của cư dân trong hẻm. Điều này buộc mỗi cửa hàng phải luôn thay đổi phương thức kinh doanh, bổ sung hàng hóa, cung cách phục vụ sao cho thân thiện mới mong có nhiều khách hàng. 

Các con hẻm trên một số tuyến đường trung tâm của quận 1, 3, 4, 5, Tân Bình… đã và đang ghi nhận làn sóng cửa hàng kinh doanh quần áo, trang trí nội thất, quán ăn, nhà hàng chuyển từ mặt tiền đường vào. Khách hàng đã dần quen và chấp nhận với sự chuyển đổi này. Thích ăn uống thì vào các con hẻm ẩm thực trên đường Vĩnh Khánh (quận 4), Trần Hòa (quận 5), Hà Tôn Quyền (quận 11); mua sắm, thời trang ở các đường Trần Quang Diệu, Lê Văn Sỹ (quận 3), Nguyễn Trọng Tuyển, Nguyễn Đình Chính, Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, Bình Thạnh)… 

2. “Sáng nay check-in Nhà của Mị không em ơi?”. Hơn 6 giờ sáng, Thanh Thảo đã nhận được tin nhắn của bạn trai Hà Hùng mời cà phê ở một nơi bình yên, đậm chất núi rừng Tây Bắc giữa chốn náo nhiệt của đường phố Sài Gòn. Thanh Thảo giới thiệu với chúng tôi: Tụi em thường hẹn gặp nhau ở đây mỗi sáng hoặc sau giờ làm việc vất vả, căng thẳng. Quán nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Vũ Huy Tấn, phường 7 (quận Bình Thạnh). Không gian quán lý tưởng cho những tâm hồn mộng mơ và yêu thích sự bình yên của núi rừng giữa lòng phố thị đông đúc. Đặc biệt, quán có những góc sống ảo riêng tư, có thể ngắm sông nước thơ mộng phía xa xa.

Trang web “Ăn uống Sài Gòn” gần đây giới thiệu nhiều quán hẻm thu hút khá đông bạn trẻ thường xuyên đến sau giờ học tập, làm việc hàng ngày. Trong đó phải kể đến một quán trên đường 16, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức). Hôm chúng tôi đến mới hơn 16 giờ, quán vắng vẻ nhưng bàn ghế đã được bày la liệt từ mặt chính quán ở đầu hẻm ra tới phía sau đường Phạm Văn Đồng. Một nhân viên quán nói: “Chú đặt bàn trước chưa, chứ hơn 18 giờ là không còn chỗ đâu nha”. Vào quán, chúng tôi thấy cách trang trí bảng hiệu, dàn đèn neon, mảng tường décor khá bắt mắt và mang phong cách Hồng Công, giá cả khá phù hợp với giới trẻ.

Một con hẻm nhỏ bên hông đường ray xe lửa thuộc phường 13 (quận Phú Nhuận) có quán Café Nhỏ mang đậm chất Sài Gòn cổ xưa từ không gian, bàn ghế đến cách bài trí thu hút đủ mọi lứa tuổi đến đây thưởng ngoạn cà phê, ngắm nhìn những đồ vật, tranh ảnh nghệ thuật có từ hàng chục năm trước. Chủ quán đã khơi tạo nét đẹp văn hóa hẻm qua ly cà phê trong một không gian ắp đầy dấu tích Sài Gòn xưa. Khách đến quán có cảm giác vừa cổ xưa, vừa thân thiện, hiện đại, gần với khung cảnh phố thị nhộn nhịp tiếng xe cộ, xen lẫn tiếng còi tàu hú vang.  

Cộng đồng mạng thời gian qua đã bình chọn, giới thiệu 10 quán cà phê đẹp nằm trong các con hẻm khắp các tuyến đường lớn nhỏ trong thành phố. Điểm chung của các quán cà phê hẻm này được đặt tên khá ấn tượng, nào là Nhà mình Café, Cũ Café, Út Lành…, nằm sâu trong các hẻm nhỏ, có không gian yên tĩnh, trang trí đẹp theo phong cách cũ kỹ, cổ xưa. Khách đa phần là người trẻ, thích không gian đậm chất thơ văn, hội họa, nhạc nhè nhẹ với những ca khúc xưa trữ tình… Tất cả tạo nên nét văn hóa rất riêng của cà phê hẻm, khiến văn hóa hẻm ở Sài Gòn - TPHCM càng thêm phong phú, đa sắc màu.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, hiện nay có tới hơn 80% người dân thành phố sống trong hẻm. Trong mỗi con hẻm có một không gian đa chiều lồng vào nhau, từ không gian kiến trúc, văn hóa, kinh tế đến không gian hành chính và cả không gian tâm linh. Nắm bắt được đặc tính văn hóa cư dân này, thời gian qua, ở nhiều địa bàn đã chuyển dịch các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, ăn uống từ tuyến đường lớn, trung tâm thương mại vào hẻm, tạo thành một không gian văn hóa hẻm phong phú, hấp dẫn cư dân đô thị. Hơi thở của hẻm, nhịp sống của hẻm đang rộn ràng từng ngày…

Tin cùng chuyên mục